Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, hàng chục người là cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH MTV Nam Nung ở xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, Đắk Nông) cho biết tính đến nay công ty đã nợ họ số tiền hàng chục tỉ đồng.
Nợ lương hơn 100 triệu đồng/người lao động
Cụ thể, số tiền nợ của Công ty Nam Nung với người lao động (NLĐ) tính đến thời điểm hiện tại là gần 40 tỉ đồng, trong đó nợ lương gần 20 tỉ đồng, còn lại là nợ tiền BHXH.
Theo những NLĐ này, khoảng tháng 6-2018, phía Công ty Nam Nung có đề nghị chốt lại tiền lương của tất cả NLĐ để chi trả. Giữa công ty và NLĐ có lập biên bản thể hiện là Công ty Nam Nung đang nợ lương của NLĐ từ nhiều năm với số tiền ước tính hàng chục tỉ đồng. Số nợ này được cộng dồn từ năm 2013 đến nay.
Cũng theo phản ánh của NLĐ, từ tháng 10-2012 đến nay mặc dù bị trích một phần tiền lương để đóng bảo hiểm nhưng họ không được hưởng quyền lợi theo quy định. Dù có tên trong danh sách tham gia BHXH nhưng trên thực tế NLĐ không thể hưởng quyền lợi gì vì công ty chưa đóng số tiền trích từ lương của họ cho đơn vị bảo hiểm.
Ông Phan Công Phúc (công nhân của Công ty Nam Nung) cho biết công ty đã nợ lương của ông gần ba năm nay, từ năm 2016 đến 2018, với số tiền khoảng 140 triệu đồng. “Việc không được trả lương khiến gia đình tôi lâm vào khó khăn. Lâu nay tất cả tiền sinh hoạt tôi phải vay mượn, từ nợ này đến nợ khác, lấy chỗ này đắp chỗ kia” - ông Phúc bức xúc.
“Tôi mong muốn công ty có giải pháp thích đáng để chúng tôi có lương mua sắm tết. Về lâu dài, công ty phải có biện pháp trả dần lương cho anh em chúng tôi. Họ chỉ mới chốt nợ chứ chưa có phương án cũng như lời hứa trả nợ nào. Chúng tôi chỉ cần được trả lương chứ thưởng tết là việc rất xa xỉ” - ông Phúc nói.
Tương tự, ông Phạm Xuân Ngọc (làm quản lý bảo vệ rừng của Công ty Nam Nung) cho biết hiện nay Công ty Nam Nung nợ ông 148 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa trả nợ cho ông và cũng chưa có hứa hẹn sẽ trả vào thời gian nào. Kinh tế gia đình ông rất khó khăn, nợ ngân hàng hàng trăm triệu đồng, vợ ốm đau nên rất mong muốn công ty giải quyết số nợ để có tiền sinh hoạt.
Sẽ vay mượn đối tác để trả nợ
Trao đổi với PV, ông Hà Hữu Thanh, Phó Giám đốc Công ty Nam Nung, thừa nhận tình hình tài chính của đơn vị đang gặp khó khăn, hiện nay không có khả năng thanh toán tiền lương, BHXH cho NLĐ.
Lương bình quân của công nhân Công ty Nam Nung khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng trong năm 2019, từ tháng 7 đến nay, tôi và hơn trăm cán bộ, công nhân vẫn chưa có lương. Trong ba năm trời tôi cùng nhiều người đã kêu cứu khắp nơi nhưng chưa thấy cơ quan, ban, ngành nào giải quyết.
Ông PHAN CÔNG PHÚC, công nhân Công ty Nam Nung
Theo ông Thanh, công ty nợ lương công nhân nhiều nhất là ở giai đoạn 2013-2016, trong năm 2017 thì vẫn còn nợ một ít, năm 2018 và từ tháng 7-2019 đến nay thì chưa chi trả lương. Khó khăn của công ty bắt nguồn từ việc xảy ra tranh chấp đất cao su với diện tích 450 ha. Ngoài ra có thời điểm giá mủ cao su thấp nên dẫn đến thu chi của công ty rơi vào khó khăn.
Lý giải về việc nợ tiền bảo hiểm hàng chục tỉ đồng, lãnh đạo Công ty Nam Nung cho rằng vì tài chính công ty khó khăn nên trong ba năm qua cán bộ, công nhân viên đều không có lương, không có tiền để trích đóng cho bảo hiểm.
“Công ty đang tính đến phương án vay mượn tiền của đối tác mua mủ cao su để giải quyết phần nào khoản nợ cho NLĐ. Số vay có thể tương ứng với 20% sản lượng ước tính mủ cao su của mùa sau. Ngoài ra, công ty cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông quan tâm chỉ đạo các ban, ngành hoàn thiện công tác cổ phần hóa để công ty đi vào hoạt động ổn định mới nhanh chóng trả được nợ. Chỉ có cách đó, ngoài ra công ty không có nguồn hỗ trợ nào” - đại diện công ty cho hay.
Số nợ quá lớn và thời gian nợ kéo dài
Tính đến nay Công ty Nam Nung còn nợ BHXH số tiền hơn 19,4 tỉ đồng, trong đó hơn 7 tỉ đồng tiền nợ lãi. BHXH huyện đã nhiều lần làm việc với phía công ty để đôn đốc trả nợ. Kết quả là trong năm 2017 công ty này đã đóng gần 1,2 tỉ đồng, năm 2018 đóng 2,5 tỉ đồng và năm 2019 đóng 1,76 tỉ đồng. Như vậy hằng năm đơn vị này vẫn phát sinh giao dịch với cơ quan BHXH nhưng số nợ quá lớn và thời gian nợ kéo dài.
Trách nhiệm của cơ quan BHXH thì họ đóng đến đâu sẽ cấp tờ rời sổ BHXH đến đó. Quan điểm của BHXH là công ty nợ bảo hiểm thì phải tính lãi, lãi này không được thu của NLĐ. Còn việc công ty có lạm thu hay không thì chúng tôi không nắm được. Hiện chúng tôi cũng đã nhiều lần báo cáo việc công ty nợ lên cơ quan có thẩm quyền và tiếp tục đôn đốc trả nợ do số tiền còn quá lớn.
Ông NGUYỄN THẾ VINH (ảnh), Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Nô