Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) vừa thông qua phương án phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Kế hoạch này dự kiến thực hiện trong năm 2024, ngay sau khi nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Với 1.200 tỷ đồng vốn dự kiến thu về, VFS sử dụng 600 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh và 600 tỷ đồng còn lại bổ sung hoạt động cho vay ký quỹ. Vốn điều lệ của VFS sau khi phát hành có thể tăng từ 1.200 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên 2024, với phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu.
Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 85,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 858 tỷ đồng, tính theo mệnh giá. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty. Nếu thành công, vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ hơn 2.145 tỷ đồng lên 3.059 tỷ đồng.
Trước đó, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đã nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, lên 7.000 tỷ đồng.
Công ty CP Chứng khoán Vietcap (VCI) cũng công bố một kế hoạch tăng vốn tham vọng. Theo đó, công ty sẽ phát hành theo thứ tự cổ phiếu ESOP, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược.
Trong đóm Vietcap, dự kiến chào bán 143,63 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp/chiến lược, với giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm 31/12/2023 là 16.849 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Nếu thành công, vốn điều lệ của Vietcap sẽ tăng lên 7.181 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán khởi sắc, cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán lại mở ra. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch FinPeace cho rằng các công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ đang có lợi thế trong làn sóng tăng vốn sắp tới.
Nguyên nhân bởi trong giai đoạn 2020 – 2021, các công ty chứng khoán lớn đã tăng vốn quá nhanh, thậm chí có một số công ty đã tăng quy mô lên tương đương một ngân hàng cỡ trung. Thị trường diễn biến xấu trong những năm sau đó khiến nguồn vốn này chưa được sử dụng hiệu quả.
Mặt khác, việc đã tăng quy mô lên quá nhiều cũng khiến các công ty chứng khoán lớn ít hấp dẫn nhà đầu tư, khó có thể tăng vốn lên gấp đôi, gấp ba như các công ty chứng khoán nhỏ.
Dư địa tăng vốn không còn nhiều có thể thấy ở trường hợp của Công ty Chứng khoán SSI. Cuối năm 2023, Chứng khoán SSI đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án phát hành 453 triệu cổ phiếu. Nếu thành công, vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng lên gần 20.000 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm công ty chứng khoán.
Có thể thấy, các công ty chứng khoán tăng vốn kỳ vọng cho giai đoạn tăng trưởng mới của thị trường, đặc biệt với khả năng nâng hạng đang đến gần. Ông Nguyễn Duy Linh, Chủ tịch HĐQT cua Cchứng khoán VPBank nhận định, thị trường chứng khoán sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm 2024 với nền định giá hợp lý và kỳ vọng tăng trưởng tích cực của các ngành theo đà phục hồi của kinh tế.
“Có 3 yếu tố kích thích dòng vốn trở lại trong năm nay chắc chắn sẽ được thúc đẩy đó là chính sách nới lỏng tiền tệ; các giải pháp nâng hạng được thúc đẩy và dòng vốn quốc tế luân chuyển quay trở lại thị trường mới nổi khi lãi suất của Fed đảo chiều. Hiện tại, dòng tiền hiện nhập cuộc dần trở lại cho dù thanh khoản chưa bằng giai đoạn sôi động 2021 - 2022. Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin nhà đầu tư cần ổn định trở lại sau những khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu thời điểm cuối 2022 đầu 2023”, ông Linh nhận định.