Hôm 17.11, Hội đồng xét xử xét hỏi Phan Sào Nam (39 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online), một trong những chủ mưu phạm tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền", trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ được công an triệt phá.
Hai chữ "bình phong" đã nói lên sự bí mật
Đứng trước bục khai báo, bị cáo sinh năm 1979 với áo sơ mi trắng, vén cao ống tay, sơ vin quần bò tây. Các bị cáo trước đứng lên trả lời xét hỏi thường chắp tay đằng trước, còn Nam thả tay hai bên, xưng tôi, nhìn thẳng về HĐXX.
Giọng trầm đặc, Phan Sào Nam bình tĩnh nói không có quan hệ họ hàng thân thích, chỉ quen Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT CNC) qua mối quan hệ xã hội thông thường từ năm 2015.
Nam từ lâu nghe nói CNC là công ty bình phong của Bộ Công an. Sau được Nguyễn Văn Dương trực tiếp khẳng định lại Công ty CNC là công ty bình phong của Bộ Công an nên yên tâm hợp tác.
Khi HĐXX hỏi: “Đó có phải niềm tin để bị cáo chủ động hợp tác với CNC?”, Nam trả lời: “Anh Dương nói, công ty của anh là công ty bình phong của Bộ Công an, có chức năng làm kinh tế nghiệp vụ và trinh sát ngoại tuyến.
Trong quá trình phát triển, vận hành, game bài Rikvip chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cấp phép, nhưng thời điểm đó, bị cáo ngầm hiểu rằng, công ty của anh Dương có cơ chế mà người ngoài không thể biết được. Chính niềm tin đó nên chúng tôi hợp tác”.
Phan Sào Nam tại tòa. HĐXX hỏi Phan Sào Nam đã từng xem văn bản nào khẳng định Công ty CNC là công ty bình phong của Bộ Công an chưa? Nam cho biết, chưa được được xem bất cứ văn bản, giấy tờ nào thể hiện Công ty CNC là công ty bình phong của Bộ Công an.
“Bị cáo chưa bao giờ được anh Dương giới thiệu với lãnh đạo C50 hay Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an. Bản thân hai chữ bình phong đã nói lên sự bí mật, nên bị cáo cũng không thắc mắc.
Nam khai: "Khi 2 bên hợp tác, Nguyễn Văn Dương luôn động viên Nam là mọi việc đang ổn, các ngành, các cấp ủng hộ. Bị cáo cũng luôn tin tưởng anh Dương sẽ lo liệu được mọi việc".
Bằng chứng là, trong quá trình phát triển, vận hành game bài đánh bạc, có một số sự cố là PC50 và PC 87 đã làm việc với công ty của Phan Sào Nam và Công ty Nam Việt. Phía Nam và Hoàng Thành Trung nhận được thông báo truy xuất thông tin game bài. Ngay cả Bộ TTTT cũng cử thanh tra làm việc với VTC Online.
"Bị cáo khẳng định cơ quan chức năng biết việc vận hành game bài Rikvip, song, kể từ khi kiểm tra, phía công ty bị cáo không bị xử lý gì cả.
Thậm chí, bị cáo còn hiểu rằng, việc phát hành game bài này còn nhận được sự ủng hộ của một số lãnh đạo để trải nghiệm, vận hành, cấp phép chính thức game bài Rikvip", Nam cho hay.
Phan Sào Nam mong những người bỏ trốn hãy quay về
Trong phần thẩm vấn, một luật sư hỏi bị cáo Nam: "Tại sao lại trốn truy nã", Nam cho biết anh ra nước ngoài công tác từ ngày 2.9.2017 (thời điểm trước khi có lệnh truy nã của cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ).
"Thời điểm này, bị cáo chưa biết mình bị khởi tố. Thực tế, trong suốt thời gian đi công tác, bị cáo không nhận được thông tin chính thức nào về việc bị khởi tố, bị truy nã, chỉ đến khi về Việt Nam, bị cáo mới biết.
Luật sư dẫn chứng ngày 8.11.2017, Nam viết đơn xin được lập công chuộc tội với nội dung đề nghị tạo điều kiện để liên hệ với Hoàng Thành Trung, Lê Văn Kiên, Phan Anh Tuấn (đều đang bỏ trốn) sẽ thuyết phục họ hợp tác với cơ quan điều tra và hỏi "tại sao anh lại có ý tưởng đó?".
Nam đáp, thời điểm đó cũng như tới tận bây giờ đã nhận thức được việc mình làm là sai. Các bị cáo trên cũng nên ý thức đó là việc làm sai nên nhanh chóng trở về để phối hợp với cơ quan điều tra, giải quyết vụ việc cũng như khắc phục hậu quả càng sớm càng tốt.