Một trong những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng là: “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam”. Cả điện ảnh và áo dài đều đáp ứng rất tốt cho mục tiêu này.
Tại cuộc họp báo công bố về LHP Việt Nam lần thứ XXII tổ chức tại TP Huế (từ ngày 18-20.11), ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) khẳng định: Một trong 5 điểm mới của LHP lần này là “Xác định lại các giá trị truyền thống và tôn vinh Áo dài”. Điều đó có nghĩa Áo dài là một giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, xứng đáng được tôn vinh. Trong những năm trở lại đây, một số tác phẩm điện ảnh xuất sắc khai thác chủ đề về đời sống và văn hóa trang phục của người Việt như Lều chõng, Long Thành cầm giả ca, Áo lụa Hà Đông, Cô Ba Sài Gòn, Lý áo dài... đã tạo ra những cơn sốt trên thị trường phim ảnh, thu hút hàng triệu lượt người trong và ngoài nước quan tâm, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh về một nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc. Có thể nói, trên một góc độ nào đó, chính điện ảnh đã đưa áo dài Việt đến với cả thế giới và góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nên hình ảnh tuyệt đẹp về bộ quốc phục của phụ nữ Việt Nam. Và ở chiều ngược lại, áo dài đã làm cho điện ảnh thêm mềm mại, quyến rũ và mang đậm bản sắc độc đáo, riêng có.
Nhìn rộng ra bên ngoài, chúng ta cũng thấy rất rõ một số quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển đã xây dựng hẳn những chiến lược dùng điện ảnh để phát triển kinh tế và quảng bá về đất nước, văn hóa của mình, tiêu biểu như Trung Quốc, Thái Lan..., mà đặc biệt là Hàn Quốc. Có thể nói điện ảnh của Hàn Quốc đã khiến cả thế giới biết đến vẻ đẹp và văn hóa đặc sắc của một quốc gia ở Đông Á, gắn liền với thương hiệu của ẩm thực (kim chi) và trang phục truyền thống (hanbok). Kinh nghiệm của điện ảnh Hàn Quốc sẽ rất hữu ích cho điện ảnh Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cố đô Huế là địa phương đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên nền tảng của Di sản, văn hóa và bảo vệ bản sắc Huế. Các ngành công nghiệp văn hóa trong đó điện ảnh, thiết kế, thời trang, thủ công mỹ nghệ truyền thống, du lịch văn hóa là những ngành trọng tâm. Áo dài là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, lại là sản phẩm phục vụ trực tiếp cho du lịch văn hóa nên đặc biệt được xem trọng. Và bản thân “Áo dài Huế” đã là một thương hiệu nổi tiếng, một sản phẩm du lịch dịch vụ rất được ưa thích. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Sở VHTT chủ trì, xây dựng đề án “Huế kinh đô áo dài Việt Nam” và đề án này đang được triển khai mạnh mẽ, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp đến cộng đồng các tầng lớp nhân dân. Cố đô Huế là nơi sản sinh ra chiếc áo dài ngũ thân từ đầu thế kỷ XVII, được nâng lên thành quốc phục của người Việt Nam dưới thời Nguyễn. Sau đổi mới, TP Huế cũng là nơi đầu tiên khôi phục và đưa áo dài nữ vào học đường, công sở, để từ đó lan tỏa ra toàn quốc. Và từ năm 2020, Huế lại một lần nữa đóng vai trò tiên phong trong việc phục hồi và đưa áo dài nam vào công sở, tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, ngày càng lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Với điện ảnh, dù đã là điểm đến quen thuộc của nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước, Huế vẫn đang cố gắng để quảng bá những tiềm năng to lớn của mình về di sản văn hóa và thiên nhiên và tìm cách thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này để xây dựng hệ thống phim trường chuyên nghiệp. Sự kết hợp giữa áo dài và điện ảnh sẽ là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của vùng đất Cố đô. Bởi vậy, bên cạnh các chiến dịch truyền thông, Huế cũng đã trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị xây dựng một số bộ phim lấy chủ đề về áo dài để tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII như Đại thi hào Nguyễn Du, Trong bóng áo dài, Vũ khúc Phượng hoàng, Xứ Huế và Áo dài... Như vậy, Áo dài sẽ song hành cùng điện ảnh và nhờ điện ảnh để quảng bá về lối sống, con người cùng nét đẹp về văn hóa trang phục của Cố đô. Đây chắc chắn là một cách làm hay, mang lại hiệu quả cao.
Từ kinh nghiệm của Huế, tôi cho rằng, mỗi địa phương cần nhìn nhận, đánh giá chính xác tiềm năng của mình về di sản văn hóa và thiên nhiên để chọn cho mình con đường phát triển phù hợp. Và từ phương diện vĩ mô, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có sự định hướng và cách hỗ trợ đúng và trúng cho các địa phương trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có gắn liền với sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.