Ngày pháp luật

Công an Hà Nội chặn vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng qua điện thoại

Theo An Ninh Thủ Đô

Nắm bắt thông tin về dấu hiệu bất thường xung quanh những cuộc điện thoại mà ông Nguyễn tiếp nhận, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội đã lập tức xác minh, từ đó ngăn chặn hành vi lừa đảo hơn 700 triệu đồng.

Ngày 9-8, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội cho biết, đơn vị đang điều tra vụ án Nguyễn Văn Nhật cùng đồng bọn can tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can đối với 3 đối tượng trong vụ án, gồm: Nguyễn Văn Nhật (SN 1995) và Trần Ngọc Lâm (SN 1993 – có 1 tiền án về tội Đánh bạc), cùng quê xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa); và Ngô Anh Tuấn (SN 1996, quê quán xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Công an Hà Nội chặn vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng qua điện thoại - Ảnh 1

Bỗng dưng bị “vu” vay nợ 40 triệu và đứng tên chủ tài khoản 6 tỷ đồng

Theo điều tra, khoảng 11h ngày 3-7-2019, ông Nguyễn (SN 1950, trú tại  phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02438283941 của một phụ nữ tự giới thiệu là cán bộ Bưu điện, thông báo về việc Tòa án nhân dân TP Hà Nội gửi giấy mời ông Nguyễn đến làm việc liên quan đến nội dung ông vay khoản tiền 40 triệu đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đến nay chưa trả.

Ông Nguyễn thắc mắc, và muốn trình báo sự việc với Công an phường nhưng người phụ nữ trên hướng dẫn cho ông kết nối với “Đường dây nóng” của Công an TP Hà Nội để trình báo, đồng thời chuyển máy cho 1 nam giới, tự xưng là Trung úy Nguyễn Vũ Đông cán bộ Cơ quan CSĐT-CATP Hà Nội, địa chỉ số 55 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm.

Với giọng nói tỏ ra nghiêm trọng, “trung úy Đông” yêu cầu ông Nguyễn cung cấp các thông tin cá nhân, rồi thông báo về việc ông Nguyễn đang đứng tên chủ tài khoản mở tại Ngân hàng Bắc Á với số tiền khoảng 6 tỷ đồng. “Tài khoản trên có giao dịch thường xuyên với các đối tượng buôn bán ma túy. Cơ quan điều tra đã bắt giữ một số đối tượng mua bán ma túy, và quá trình khám nhà, chúng tôi thu được thẻ ATM mang tên ông. Do đó, Cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt tạm giam ông thời hạn 4 tháng, đang chờ Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt”, người tự xưng là “trung úy Đông” tuyên bố, khiến ông Nguyễn như rụng rời chân tay.

Ông Nguyễn đã suy sụp hẳn, sau khi được “trung úy Đông” chuyển cuộc gọi cho nói chuyện với một người nam giới khác, tự xưng là Nguyễn Văn Dũng - Viện phó Viện KSND Tối cao, cuộc gọi hiển thị số điện thoại +2438269593. Vị “viện phó” này thông báo đã có Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét niêm phong tài sản đối với ông Nguyễn.

Chuyển hơn 700 triệu đồng mới…bừng tỉnh

Nghe tin dữ từ mấy cán bộ “cơ quan tố tụng”, phút tỉnh táo duy nhất của ông Nguyễn là…đề nghị được thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú!

Sau một hồi đe dọa, “viện phó” Dũng đồng ý với điều kiện ông Nguyễn phải chuyển 800 triệu đồng đến số tài khoản ngân hàng để tạm giữ và xác minh, nếu không liên quan đến vụ án thì sẽ hoàn trả lại.

Răm rắp thực hiện yêu cầu của các đối tượng, ngay trong ngày hôm đó, ông Thông đã ra Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Hà Thành, rút tổng số tiền 686 triệu đồng trong 4 số tiết kiệm rồi chuyển đến tài khoản số 170110101000290 đứng tên chủ tài khoản Ngô Anh Tuấn mở tại Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Long Biên.

Thấy chưa đủ, “viện phó” Dũng tiếp tục gọi điện, yêu cầu ông Nguyễn chuyển hơn 120 triệu đồng cho đủ 800 triệu đồng. Sau khi đã chuyển tổng số tiền 736.000.000 đồng đến tài khoản đứng tên Ngô Anh Tuấn, gia đình ông Nguyễn mới bừng tỉnh, nghi ngờ bị các đối tượng lừa đảo, nên đã làm đơn trình báo đến Cơ quan điều tra.

Tiếp nhận trình báo của ông Nguyễn, Đội 3 - Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội, cùng các đơn vị chức năng lập tức phối hợp với Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Long Biên để xác minh và phát hiện đối tượng Ngô Anh Tuấn đến thực hiện giao dịch rút 500 triệu đồng từ số tài khoản số 170110101000290. Đi cùng với Tuấn là Trần Ngọc Lâm.

Qua đấu tranh, Tuấn và Lâm khai nhận thực hiện rút tiền theo yêu cầu của Nguyễn Văn Nhật. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra tiếp tục triệu tập Nguyễn Văn Nhật và các đối tượng liên quan, gồm Nguyễn Văn Lưu (SN 1990, quê quán xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa); Vũ Thị Lan (SN 2000, quê quán xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Lời khai của các đối tượng thể hiện, Nguyễn Văn Nhật từng đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2014 đến năm 2016 sau đó về nước làm nghề tự do đến 3-2019 ra Hà Nội và ở cùng Trần Ngọc Lâm và Vũ Thị Lan tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

Tháng 5-2019, thông qua mạng xã hội, Nhật quen một người đàn ông tên “Tuấn” (chưa xác định rõ nhân thân lý lịch, là người gốc Việt Nam lấy vợ tại Đài Loan). Thông qua “Tuấn”, Nhật làm quen người đàn ông tên “Anh” quốc tịch Đài Loan.

Khi mối quan hệ đã trở nên thân thiết, đối tượng “Anh” thuê Nhật mở các tài khoản cá nhân tại các ngân hàng ở Việt Nam (mỗi tài khoản đăng ký bằng một số điện thoại sim “rác”), rồi chuyển các thông tin và quyền sử dụng tài khoản cho “Anh” quản lý, sử dụng để giao dịch chuyển tiền. Mỗi tài khoản mở mới , Nhật sẽ được đối tượng “Anh” trả 2 triệu đồng. Để đảm bảo tính bí mật, đối tượng “Anh” và Nhật thống nhất giao dịch hàng ngày bằng tiếng Đài Loan.

Từ tháng 5-2019 đến khi bị bắt, Nhật đã sử dụng CMND và các thông tin cá nhân để đăng ký mở 2 tài khoản Ngân hàng; đồng thời thuê Ngô Anh Tuấn mở 9 tài khoản, Trần Ngọc Lâm mở 2 tài khoản, Nguyễn Văn Lưu mở 5 tài khoản và Vũ Thị Lan mở 1 tài khoản tại nhiều ngân hàng để cung cấp cho đối tượng “Anh”. Từ đó, “Anh” đã trả cho Nhật 17 triệu đồng.

Ngày 3-7-2019, Nhật nhận được liên lạc của đối tượng “Anh”, yêu cầu kiểm tra tài khoản Internet banking số 170110101000290. Lập tức, Nhật bảo Lâm cùng đăng nhập vào tài khoản trên để kiểm tra số dư nhưng không được do đăng nhập sai nhiều lần nên tài khoản bị khóa. Thấy vậy, Nhật yêu cầu Ngô Anh Tuấn đến ngân hàng Eximbank mở khóa tài khoản giao dịch Internet banking để đối tượng “Anh” thực hiện giao dịch nhận và chuyển tiền.

Khoảng 17h cùng ngày, Nhật, Lâm hẹn Tuấn tại địa bàn quận Long Biên, thông báo về việc “sếp” của Nhật sẽ chuyển một khoản tiền lớn đến tài khoản của Tuấn ở Ngân hàng Eximbank, và nhờ Tuấn vào ngân hàng để mở khóa tài khoản, lấy thẻ ATM.

Các đối tượng thống nhất sáng 4-7 sẽ đến ngân hàng để rút tiền; nếu thành công sẽ được đối tượng “Anh” thưởng lớn. Quá trình Tuấn vào rút tiền, Nhật và Lâm đứng ngoài cảnh giới, nhưng lần lượt bị bắt giữ sau đó.

Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng nêu trên đều khai không được tham gia, không thực hiện đe dọa để yêu cầu ông Nguyễn chuyển số tiền 736 triệu đồng. Chỉ có Nhật liên lạc với đối tượng “Anh”, và các đối tượng còn lại không biết “Anh” là ai, ở đâu.

Quá trình bắt giữ, triệu tập các đối tượng, Cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh Long Biên phong tỏa và tạm dừng giao dịch đối với số tiền 736 triệu đồng trong tài khoản của Ngô Anh Tuấn; tạm giữ tang vật gồm 3 điện thoại di động các loại, 14 thẻ ATM, thẻ Visa, Ercard… Vụ án đang được CQĐT CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục xác minh, truy bắt các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định.

Tin Cùng Chuyên Mục