Công ty niêm yết lớn nhất châu Phi, Naspers Ltd, đang vật lộn với một vấn đề bất thường: Họ đang bị một khoản đầu tư tốt đến khó tin trở thành cơn đau đầu khó giải quyết.
Naspers đã mua một phần ba cổ phần của Tencent Holdings Ltd vào năm 2001, nhiều năm trước khi nhà điều hành ứng dụng nhắn tin WeChat trở thành công ty niêm yết có giá trị nhất Trung Quốc.
Số cổ phần này hiện trị giá hơn 100 tỷ USD so với định giá của chính Naspers, bất chấp các hoạt động kinh doanh có lãi khác của Naspers trong các lĩnh vực như quảng cáo, thanh toán và bán lẻ trực tuyến.
Sự việc này đã đem đến cho các lãnh đạo của Naspers một bài toán khó trong việc tạo ra giá trị cho các cổ đông mà không cần bán cổ phiếu của Tencent, một trong những công ty công nghệ thành công nhất thế giới. Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi khoảng cách này đã đạt đỉnh mới trong năm qua, khi cuộc khủng hoảng do Covid-19 đã tăng định giá của Tencent và các công ty công nghệ khác.
Basil Sgourdos, Giám đốc tài chính của Naspers cho biết: “Tôi không nghĩ rằng có một lãnh đạo cao cấp nào ở tập đoàn không tham gia vào việc giải quyết vấn đề này”.
Ông Sgourdos cho biết các lãnh đạo của công ty đang nghiên cứu hơn 10 ý tưởng để giảm khoảng cách này, nhưng ông từ chối nói rõ những lựa chọn đang được xem xét. Các vấn đề mà họ cần phải vượt qua bao gồm thuế, quy định, cấu trúc bảng cân đối kế toán và nợ.
“Với mỗi ý tưởng và giải pháp, bạn học được điều gì đó”, ông Sgourdos nói. “Để tìm ra giải pháp cuối cùng, cần rất nhiều kiến thức và trí tuệ”.
Naspers đã trả 34 triệu USD cho thương vụ mua cổ phần ban đầu của Tencent, đây được coi là một trong những khoản đầu tư mạo hiểm lớn nhất lịch sử hiện đại. Giờ đây, Tencent, công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, có giá trị vốn hóa thị trường tương đương 780 tỷ USD.
Đầu tháng này, tập đoàn Internet Prosus NV được niêm yết tại Amsterdam - do Naspers nắm phần lớn cổ phần và là công ty sở hữu các tài sản Internet ở phạm vi quốc tế của Naspers - đã bán ra lượng cổ phiếu trị giá 14,6 tỷ USD của gã khổng lồ Internet Trung Quốc.
Vụ mua bán này là lần cắt giảm tỷ lệ sở hữu thứ hai của Prosus tại Tencent trong vòng 3 năm qua. Giờ đây Prosus chỉ còn nắm giữ 29% cổ phần tại Tencent với giá trị hiện đạt khoảng 226 tỷ USD.
Trong khi đó, giá trị vốn hóa thị trường của Naspers chỉ có 1,53 nghìn tỷ rand Nam Phi, tương đương khoảng 107 tỷ USD.
Bob van Dijk, Giám đốc điều hành của Naspers và Prosus, cho biết: “Chúng tôi không hài lòng với tình trạng hiện tại. Chúng tôi sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề này”.
Ông van Dijk cho biết khoản thu gần 15 tỷ USD từ thương vụ bán cổ phiếu gần nhất của Tencent sẽ được Naspers sử dụng để mở rộng quy mô các mảng quảng cáo trực tuyến, thanh toán, giao đồ ăn, bán lẻ và giáo dục, cũng như tìm kiếm các vụ mua bán và sáp nhập.
Công ty này hy vọng sẽ giúp các nhà đầu tư định giá doanh nghiệp dễ dàng hơn. Danh mục đầu tư của Prosus, không bao gồm cổ phần tại Tencent, có tỷ suất hoàn vốn nội bộ 20% trong sáu tháng kết thúc vào ngày 30/9.
Quy mô của Naspers tại Sở giao dịch chứng khoán Johannesburg (JSE) đã trở thành một hạn chế đối với các quỹ theo dõi chỉ số tại đây, do họ không thể nắm giữ số lượng quá lớn của một loại cổ phiếu.
Trong khi nhiều công ty niêm yết trên sàn giao dịch này đã bị thu hẹp quy mô trong đại dịch, cổ phiếu của Naspers đã được Tencent thúc đẩy và hiện chiếm hơn 25% trong Chỉ số JSE SWIX chuẩn.
Điều này có nghĩa là khi cổ phiếu Naspers tăng giá, nhiều nhà đầu tư Nam Phi cần bán cổ phiếu của mình. Tình trạng này sẽ càng làm tăng mức chiết khấu cần thiết của Naspers so với Tencent.
Kevin Mattison, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường Avior Capital Markets có trụ sở tại Cape Town, Nam Phi, cho biết: “Điều này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý quỹ. Để thu hẹp khoảng cách định giá trên, Naspers có thể cho thấy những đóng góp tích cực từ các mảng kinh doanh khác trong doanh thu của họ, hoặc tách một hoặc hai tài sản khỏi công ty mẹ thành một pháp nhân độc lập (spin off), hoặc trả cổ tức đặc biệt cho cổ đông”, ông nói.
Các nhà phân tích cho rằng lỗ hổng định giá dai dẳng này là do một số vấn đề. Thứ nhất là cổ phiếu của công ty mẹ luôn giao dịch ở mức chiết khấu so với các mảng kinh doanh cơ bản của họ.
Thứ hai là khoản thuế khấu trừ cổ tức mà Naspers sẽ cần phải trả nếu họ bán cổ phần của mình tại Tencent và phân chia tiền thu được cho các nhà đầu tư - một kịch bản mà các lãnh đạo của Naspers cho biết là khó xảy ra.
Một lý do khác cho khoảng cách đề cập ở trên là các nhà đầu tư cũng có thể tiếp cận trực tiếp với cổ phiếu Tencent thông qua đợt niêm yết tại Hồng Kông của Tencent.
Naspers từng phải giải quyết khoảng cách định giá này vào năm 2019 khi tạo ra công ty Prosus để nắm giữ tài sản Internet ở phạm vi quốc tế của mình. Chúng bao gồm cổ phần tại Tencent và các khoản đầu tư vào các công ty công nghệ như nhà điều hành truyền thông xã hội Nga Mail.ru Group Ltd, công ty giao đồ ăn của Đức Delivery Hero, và nền tảng thương mại trực tuyến Letgo của Mỹ.
Động thái này ban đầu đã thu hẹp khoảng cách định giá, nhưng nó không kéo dài như các nhà lãnh đạo Naspers đã kỳ vọng.
“Điều chúng tôi không biết là Covid-19 sẽ xảy ra và chúng tôi sẽ trở lại đúng vị trí này chỉ sau sáu tháng”, ông Sgourdos nói.
Vào tháng 10/2020, Prosus cho biết họ có kế hoạch mua lại 5 tỷ USD cổ phiếu của chính mình và cổ phiếu của công ty mẹ Naspers, sau khi thua lỗ trong hai thương vụ mua lại nổi tiếng.
Mặc dù việc mua lại không giải quyết được vấn đề cấu trúc của chiết khấu dòng vốn, nhưng nó tạo ra giá trị bằng cách mua cổ phiếu với giá chiết khấu so với giá trị thực của cổ phần tại Tencent, lãnh đạo của Naspers cho biết. Đầu tháng này, ông van Dijk cho biết công ty này có thể mua lại nhiều cổ phiếu của mình hơn trong tương lai.
“Họ đang ở trong một tình thế khó khăn”, Neelash Hansjee, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty Old Mutual Equities ở Cape Town, cho biết: “Đối phó với khoảng cách định giá mất nhiều thời gian hơn mọi người dự đoán”.
Link bài gốc