Dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện trong cộng đồng những ngày qua đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Trong phiên giao dịch 27/7, chỉ số VN-Index giảm mạnh 43,99 điểm (5,31%) và đóng cửa tại 785,17 điểm, đây cũng là mức thấp nhất của VN-Index kể từ đầu tháng 5 tới nay.
Với mức giảm 5,31%, VN-Index được ghi nhận là chỉ số chứng khoán có biến động "tệ" nhất thế giới trong phiên 27/7, trái ngược với biến động tích cực của nhiều chỉ số chứng khoán khu vực như ShangHai (Thượng Hải), Kospi (Hàn Quốc), HangSheng (HongKong), JCI (Indonesia)…
Phiên giao dịch 27/7 cũng đánh dấu phiên giảm sâu thứ ba của VN-Index từ đầu năm tới nay, chỉ xếp sau phiên giao dịch 9/3 (giảm 6,28%) và phiên 23/3 (giảm 6,08%) khi thị trường chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Mức giảm sâu trong phiên hôm nay khiến vốn hóa toàn thị trường bị "thổi bay" hơn 190 nghìn tỷ đồng, tương đương 8,5 tỷ USD, trong đó vốn hóa HoSE "bay hơi" hơn 153 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,6 tỷ USD.
Áp lực bán mạnh trên thị trường còn được thể hiện qua số mã giảm trên HoSE lên tới 377 mã, bao gồm 152 mã giảm sàn, trong khi số mã tăng vỏn vẹn 33.
Thống kê 15 cổ phiếu Bluechips VHM, VCB, VNM, BID, VIC, GAS, CTG, SAB, TCB, PLX, VPB, VJC, GVR, MSN, MBB đều giảm sâu, qua đó khiến VN-Index mất đi tổng cộng 31,1 điểm trên tổng số 43,99 điểm.
Không những vậy, trên TTCK Phái sinh, cả 4 HĐTL đều đóng cửa với basis âm từ 18,03 đến 22,03 điểm cho thấy tâm lý giới đầu tư có phần khá thận trọng với xu hướng thị trường.
Dù vậy, điểm tích cực lúc này là khối ngoại đang có dấu hiệu trở lại "bắt đáy". Trong phiên 27/7, khối ngoại mua ròng gần 330 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung vào các Bluechips như VCB, VHM, VRE, POW, VIC, FUESSVFL…và cũng là phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp. Sự trở lại của khối ngoại có thể đến từ các quỹ ETF khi VNM ETF, FTSE Vietnam ETF hay các quỹ ETF nội đều hút tiền khá tốt trong khoảng 2 tuần qua.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng nếu xuất hiện làn sóng Covid thứ hai ở Việt Nam thì tác động của nó đối với thị trường tiềm năng sẽ không nhiều như với khoảng thời gian đầu diễn ra dịch bệnh. Trong trường hợp VN-Index diễn biến tương tự như Hangseng thì chỉ số ước tính sẽ dời về khu vực 770-780 điểm, và đây cũng là vùng hỗ trợ của chỉ số nên có thể xuất hiện lực cầu bắt đáy tại vùng này khi sự lo lắng về dịch bệnh được lắng dịu.
Về mặt thời gian, BSC đánh giá sự bi quan của thị trường có thể được duy trì tương đương hoặc ngắn hơn giai đoạn dịch leo thang trong tháng 3, theo dự kiến có thể là khoảng 2-3 tuần.
Chung quan điểm, CTCK MBS cho rằng việc tiếp tục chống dịch và thực hiện các biện pháp cách ly có lẽ sẽ được kích hoạt trở lại nhưng cũng không quá bi quan vì cách khoanh vùng chống dịch của Việt Nam phát huy tốt hiệu quả trong thời gian qua.
Tuy nhiên, đây cũng là điểm báo hiệu làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại Viêt Nam sau 99 ngày chưa có ca nhiễm mới trong cộng đồng và cần xác định trước tâm lý "sống chung và chiến đấu" với dịch cho đến khi Vắc-xin chính thức được cấp phép.
MBS cho rằng đây chính là "giai đoạn bình thường mới" của cả kinh tế và TTCK trước các ảnh hưởng từ dịch bệnh. Do đó, MBS khuyến nghị nhà đầu tư không quá bi quan bán tháo các cổ phiếu cơ bản tốt khi chỉ số đã về gần các ngưỡng hỗ trợ mạnh.
MBS đánh giá vùng 760 – 780 điểm là hỗ trợ rất mạnh của VN-Index. MBS cho rằng nhịp chỉnh này sẽ là cơ hội cho nhịp hồi phục về cuối năm, do đó nhà đầu tư cẩn trọng nhưng không nên bi quan khi chỉ số về các vùng hỗ trợ này.