Có một “Pháp luật Việt Nam” thấm đẫm tình người

Vân Tùng - Bích Hằng

Từ nghĩa trang Trường Sơn đến Làng Nủ hoang tàn sau bão, từ bản làng heo hút ở Tây Bắc đến những vùng quê miền Trung nắng gió, từng dấu chân của những người cầm bút mang trên ngực áo logo Pháp luật Việt Nam đã ghi lại một hành trình thầm lặng sẻ chia vì cuộc sống.

Có một “Pháp luật Việt Nam” thấm đẫm tình người

Có một “Pháp luật Việt Nam” thấm đẫm tình người - Ảnh 1

TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đến Làng Nủ sau trận lũ tháng 9/2024.

Sự cố gắng, lòng biết ơn không bao giờ ngừng nghỉ

Gần 20 năm, vào mỗi dịp tháng 7, những người làm báo Pháp luật Việt Nam có thể không có những chuyến đi nghỉ mát, nhưng nhất định phải thực hiện chuyến đi tri ân miền Trung. Chúng tôi đã tới, thắp những nén hương, dâng những bông hoa bày tỏ lòng biết ơn tới các anh hùng, liệt sỹ đã nằm lại ở mảnh đất miền Trung thân thương. Năm nào cũng vậy, chúng tôi lắng nghe tiếc gọi “Cúc ơi!” tha thiết trong bài thơ về những nữ liệt sỹ ở Ngã 3 Đồng Lộc mà không ngăn nổi những giọt nước mặt nghẹn ngào; Đặt những bước chân thật nhẹ trong thành cổ Quảng Trị; nhìn cây phượng vỹ hoa đỏ như lửa cháy trong Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, đàn bồ câu an yên nhặt thóc trước khu tưởng niệm ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9…. hữu tình hay vô ý đều gợi nhớ đến những người lính đã nằm sâu trong đất Quảng Trị.

Tiếng chuông chiêu hồn liệt sỹ vang trong thinh không như lời nguyện cầu bình an, như tiếng lòng của những người ở lại… Trong không gian gợi nhớ thật nhiều đau thương mất mát này, dường như chẳng ai muốn làm cầu gì đó đẹp đẽ cho riêng mình; chỉ nguyện cầu cho các linh hồn liệt sỹ yên nghỉ và hứa với các anh linh sẽ sống xứng đáng với sự hy sinh của các liệt sỹ, làm nghề tốt, phục vụ bạn đọc, phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh. “Những chuyến đi bồi đắp tâm hồn - Tri ân tháng 7 miền Trung” là chương trình có sức sống bền bỉ nhất, kéo dài gần 20 năm, được duy trì không gián đoạn, bất kể điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hay thời tiết khắc nghiệt. Như tên gọi, sau mỗi chuyến đi, chúng tôi đều được bồi đắp thêm những xúc cảm mới mẻ, đặc biệt là được bồi đắp thêm niềm tự hào về một quá khứ hào hùng của đất nước, bồi đắp thêm lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để từ đó hành trình tri ân tháng 7 miền Trung của những người làm Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục, như sự cố gắng, lòng biết ơn của chúng tôi không bao giờ ngừng nghỉ.

Không ít cán bộ ngành Tư pháp ở vùng sâu vùng xa vẫn đang sống trong những căn nhà dột nát, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, cuộc sống chật vật. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chương trình “Mái ấm Tư pháp” được Báo Pháp luật Việt Nam phát động từ năm 2015, với mục tiêu vận động nguồn lực xã hội để xây dựng nhà tình nghĩa cho những cán bộ ngành Tư pháp có hoàn cảnh khó khăn. Về sau này, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, Báo Pháp luật Việt Nam đã mở rộng đối tượng trao tặng mái ấm. Chương trình “Mái ấm Tư pháp” của Báo không chỉ là sự sẻ chia, mà còn là cam kết của báo đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Tập thể cán bộ, phóng viên chụp ảnh lưu niệm bên cây bồ đề Báo Pháp luật Việt Nam trồng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.
Tập thể cán bộ, phóng viên chụp ảnh lưu niệm bên cây bồ đề Báo Pháp luật Việt Nam trồng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho biết: “Chương trình “Mái ấm Tư pháp” là một trong những chương trình có ý nghĩa để tri ân, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào gặp khó khăn mà Báo Pháp luật Việt Nam đã triển khai nhiều năm qua. Đây là một hoạt động thiết thực, giàu tính nhân văn, hướng tới hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo trên cả nước, góp phần xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn cả nước, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, tạo tiền đề để tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Trong các năm từ năm 2023-2025, với nỗ lực của toàn thể viên chức, người lao động thuộc báo và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đồng hành, báo đã vận động, ủng hộ để xây 30 căn nhà với tổng giá trị lên đến hơn 3 tỷ đồng cho các hoàn cảnh khó khăn trên cả nước với các hình thức “Mái ấm Tư pháp”, “Mái nhà Tư pháp”, “Nhà đoàn kết”, “Nhà nghĩa tình”, “Mái ấm công đoàn”... tại Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Kạn, Lào Cai, Thái Bình, Ninh Bình, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, gia Lai, Hậu giang, Tiền giang (tên các tỉnh trước ngày 1/7/2025)…

Trách nhiệm xã hội không chỉ trong bài viết

Chuyến đi đến với bà con ở các địa phương miền núi Tây Bắc sau cơn bão số 3 năm 2024 là một chuyến đi đáng nhớ trong cuộc đời những người làm báo Pháp luật Việt Nam chúng tôi. Chúng tôi đã chứng kiến sự tan hoang, nỗi đau tột cùng trước cảnh một ngôi làng bị xóa sổ hoàn toàn sau cơn lũ. Chúng tôi đã nghẹn lòng khi nhìn những con phố sầm uất của Yên Bái (nay là Lào Cai), Lào Cai phủ đầy bùn đất, những ngôi nhà tan hoang, những ruộng lúa, bãi dâu từng xanh ngắt giờ nhuộm một màu bùn nâu tàn úa...

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tác nghiệp tại các địa phương xảy ra thiên tai bão lũ.
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tác nghiệp tại các địa phương xảy ra thiên tai bão lũ.

Trên cung đường chúng tôi đi, xen lẫn những mảng xanh của núi rừng là những khoảng trống đỏ au như vết thương hở trên cơ thể. Và cũng ở những nơi đó, chúng tôi nhìn thấy sự "đắp bồi" của tình nghĩa đồng bào, những khoảnh khắc ấm áp, cho chúng tôi niềm tin rằng, dù thiên tai có tàn phá đến mức nào, con người nơi đây vẫn giữ được niềm tin vào tương lai, vẫn sống với lòng yêu thương và sự bao bọc lẫn nhau. Những niềm tin ấy khiến chúng tôi nỗ lực hơn trong sứ mệnh sẻ chia, vì cộng đồng.

Trong chuyến đi, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập đã chia sẻ: “Người làm báo cần tận mắt chứng kiến nỗi đau, cảm nhận bằng trái tim sự khổ đau của người dân, để thấy mình cần có trách nhiệm hơn với cuộc sống, với cộng đồng. Sứ mệnh của nghề báo không chỉ là phản ánh sự thật mà còn là chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau của người dân”. Cũng trong năm 2024, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức vận động, quyên góp với tổng số tiền và hàng hóa lên đến 15 tỷ đồng và trực tiếp tổ chức các đoàn cứu trợ đến các địa phương miền núi Tây Bắc, tỉnh Quảng Bình khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão, hỗ trợ người dân Làng Nủ khôi phục đời sống...

Tiến sĩ Vũ Hoài Nam chia sẻ với mất mát của người dân thôn Làng Nủ
Tiến sĩ Vũ Hoài Nam chia sẻ với mất mát của người dân thôn Làng Nủ

40 năm hình thành và phát triển, báo Pháp luật Việt Nam còn tổ chức rất nhiều hoạt động xã hội từ thiện tại các địa phương trong cả nước nhân dịp tết Nguyên đán, Ngày thương binh liệt sỹ và phối hợp thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện… Trong bối cảnh đại dịch COViD-19 bùng phát, Báo Pháp luật Việt Nam đã vận động các mạnh thường quân quyên góp hàng chục tỉ đồng và phát động nhiều chương trình để hỗ trợ trực tiếp các địa phương trong phòng chống dịch.

Người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ nghèo về vật chất mà còn rất thiếu thốn về tri thức pháp luật. Họ ít có cơ hội tiếp cận với thông tin pháp lý, dẫn đến thiệt thòi trong tiếp cận công lý, chính sách. Chương trình "Xóa nghèo pháp luật" ra đời như một nỗ lực mang pháp luật đến gần hơn với người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương. Bằng hình thức linh hoạt và sinh động như tổ chức phiên chợ pháp luật, sân khấu hóa pháp lý, phát hành tài liệu, tọa đàm, tư vấn trực tiếp… các phóng viên, cộng tác viên Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp cùng các luật sư, chuyên gia pháp lý đã đến từng xã nghèo, bản xa, để nói về quyền, nghĩa vụ, để giúp người dân hiểu luật, sống và làm việc theo pháp luật.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tác nghiệp tại hiện trường Làng Nủ
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tác nghiệp tại hiện trường Làng Nủ

Có thể nói, trách nhiệm xã hội của những người làm báo ở Báo Pháp luật Việt Nam không chỉ nằm trong những bài viết cảm động, mà còn ở đôi tay sẻ chia, đôi chân không mỏi, trái tim luôn hướng về cộng đồng. Các chương trình như “Mái ấm Tư pháp”, “Xóa nghèo pháp luật” hay những hoạt động cứu trợ khẩn cấp không chỉ là “việc ngoài lề” của tờ báo, mà đã trở thành một phần trong hệ giá trị cốt lõi. Bởi báo chí không thể đứng ngoài những cuộc sống bị tổn thương, và càng không thể làm ngơ trước những bất công đến từ thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu điều kiện tiếp cận công lý.

Tin Cùng Chuyên Mục