Xuống Sân bay quốc tế Cam Ranh, chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ, du khách đã có thể di chuyển tới Mũi Dinh (thuộc thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận).
Trong một chuyến đi tìm một loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam để giới thiệu tại Pháp. Nhạc sĩ Trần Tiến đã tìm đến một vùng núi của tỉnh Ninh Thuận. Gặp được cây đàn mà anh rất thích. Ở đây người dân gọi là cây đàn Chapi.
11h trưa. Tiếng lốp rê trên cát rì rì. Chiếc xe màu vàng cam hình hài không giống bất cứ loại phương tiện thông dụng nào lừng lững tiến về phía trước. Đi qua đồi cát mịn vàng thoai thoải là bờ biển xanh biếc, nước trong như pha lê. Nắng vàng. Gió mang hơi nước vi vu. Trời không một gợn mây. Một nhóm nam nữ ngồi trên xe, xòe chân ra đón cát, đưa tay ra hứng nắng cười khúc khích.
Chừng 5 phút sau, xe chầm chậm đổ xuống con dốc nối liền bãi biển. Một dãy chòi lá với những chiếc võng dù hiện ra. Bà chủ quán đon đả chào hỏi nhóm thanh niên. Những chàng trai, cô gái tỏa ra thả mình trên mỗi chiếc võng, nằm ngắm biển.
Bà chủ tên Nguyễn Thị Xô - bà Năm Xô, năm nay 56 tuổi, đon đả cùng một cô gái xách theo xô than củi hồng rực trở ra. Bà giới thiệu, hôm nay sẽ chiêu đãi khách món “gà sa mạc” - loại gà chỉ ăn cơm rơi, vãi rồi chạy bộ trên đồi cát.
Bà Năm Xô kể, năm nay con trai lớn ngoài 30 tuổi nghĩa là bà cũng sống trên bãi biển này ngần ấy năm. Cũng ở bãi biển này bà sinh thêm 4 người con nữa. Nay, ngoài 10 đứa dâu, rể bà có thêm 16 đứa cháu nội, ngoại.
Bà nhớ, hồi còn trẻ, để có tiền nuôi 5 đứa con, gia đình phải đi biển đánh lưới, câu mực. Mải miết quanh năm mà có khi vẫn không đủ ăn. Rồi bà mở quán bán đồ ăn, uống ngay ở căn chòi gia đình sinh hoạt. Hồi đó quán vắng lắm. Nhưng hai năm nay thì khác rồi. Từng đoàn khách cứ dần đổ về nơi Bãi Tràng hoang sơ, tinh khiết này.
Bà Năm Xô bảo nước ở vùng Mũi Dinh này đặc biệt. Nước biển mát hơn hẳn những vùng khác bởi có nguồn nước trồi nhiều khoáng chất.
Bà tự hào vì những món hải sản mình chế biến như tôm hùm, tôm sú, cá mú, bào ngư, ốc, ghẹ… rất ngon còn có thêm một loại gia vị đặc biệt trời ban - Muối. Muối ở đây do biển gửi tới. Những con sóng vỗ lên vách đá miệt mài ngày đêm. Nước đọng lại chờ nắng, một lớp muối trắng tinh hiện ra. Ai cần, chỉ cần tới mang về, giã nhỏ ra là có đĩa gia vị không lẫn với muối thường được. Bà vẫn thường lấy muối làm quà tặng du khách mỗi khi họ rời quán.
Nắng không ngừng rắc vàng trên khắp đất trời Ninh Thuận. Nhưng ánh nắng chỉ bị ngăn gặp mặt đất bởi những giàn nho xanh ngút ven đường.
Khắp vườn nho của chị Nguyễn Thị Phượng (ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận) hàng chục khách du lịch mải mê ngắm, thưởng thức những trái nho tim tím, xanh xanh. Đây chỉ là một trong hàng ngàn vườn nho ở khu vực này. Nằm dọc ven đường 702 trên đoạn ra Vườn quốc gia Núi Chúa, những vườn nho xanh mướt là điểm dừng chân lý tưởng của du khách.
Chỉ trong buổi sáng khi chúng tôi dừng chân, chị Nguyễn Thị Phượng đã đón ít nhất 10 đoàn khách trong và ngoài nước. Khi chị Phượng lớn lên, những vườn nho ở Thái An đã xanh tốt rồi. Ngày nhỏ chị trồng, chăm nho cùng bố mẹ. Lớn lên, hai vợ chồng cũng trông vào vườn nho làm kế sinh nhai. Nhưng chị không chỉ thu hoạch nho ở vườn nhà mình. Lâu dần chị còn làm thương lái thầu buôn khắp các vươn nho trong thôn.
Hai năm nay, chị bắt đầu mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm thăm quan vườn nho. Những giàn nho được cắt tỉa đều tăm tắp. Khách ghé thăm không chỉ thoải mái ăn nho mà còn mãn nguyện với những bức hình đẹp lung linh.
Trên chiếc bàn nhỏ kê ngay lối vào vườn, nào mật nho, rượu nho, mứt nho…, thứ gì cùng có. Ai đến cũng tự nhiên rót một cốc mật, hoặc rượu nho, bỏ vài viên đá nhỏ rồi ngồi ngả lưng trên võng nhâm nhi dưới những tán cây xanh mát. Những thức quà cứ nhiều dần lên, ngon dần hơn theo lượng khách. Mùa cao điểm khách du lịch, có tuần chị bán tới 3 tấn nho.
Trưa muộn. Nắng rực vàng. Cứ thấy khách bước vào vườn nho chị Phượng cũng cười tươi. Đôi bông tai đung đưa theo từng tràng cười của chị.
Có người hỏi: “Làm du lịch vườn nho thế nào?” thì chị bảo tỉnh hỗ trợ nhiều lắm. Đến giờ chị vẫn nhớ câu nói của một vị lãnh đạo tỉnh: “Làm du lịch thì phải cởi áo nhà nông ra”. Với chị điều ấy bây giờ đơn giản lắm! Bán nho cho khách cần có tâm, khách đến vườn dù mua ít hay nhiều vẫn là niềm vui của chị.
Bà Năm Xô và chị Phượng là một sắc màu nhỏ trong bức tranh du lịch tỉnh Ninh Thuận. Đến Ninh Thuận hôm nay, những con đường nhựa mịn màng nối liền khắp chốn.
Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, đối với khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài, Nha Trang không phải là trung tâm của điểm đến mà đó là Sân bay quốc tế Cam Ranh. Trong bán kính di chuyển 2 giờ đồng hồ từ Sân bay quốc tế Cam Ranh, bất cứ bãi biển cát trắng nào đều có thể xây dựng thành điểm đến cho nhiều triệu khách du lịch.
Ninh Thuận nằm cách Sân bay quốc tế Cam Ranh hơn 1 giờ ô tô, cách TP.HCM 30 phút máy bay, nằm giữa trung tâm du lịch lớn nhất cả nước là Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt. Ninh Thuận là một trong số ít địa phương ở Việt Nam có thể đi đến được cả bằng đường không, đường bộ, đường biển và đường sắt.
Những điểm du lịch lớn của Ninh Thuận cách Sân bay Quốc tế Cam Ranh dưới 2 giờ di chuyển có thể kể ra không ít như Bình Tiên, Vĩnh Hy, Vườn Quốc gia Núi Chúa, Mũi Dinh….
Vùng đất này không chỉ có Wonfram, Molipden, thiếc, titan, thạch anh hay cát thủy tinh. Ninh Thuận còn có ngư trường nằm trong vùng nước trồi với trên 500 loài hải sản các loại, hơn 120 loài san hô cùng nhiều loài rùa quý hiếm. Rùa biển vàng hiện chỉ có ở Ninh Thuận.
Bãi biển Bình Tiên rộng hàng trăm ha được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất nước. Nơi đây với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ lại gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa đang được đầu tư xây dựng trở thành khu vực du lịch tầm cỡ cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Khu vực từ Bình Tiên đến vịnh Vĩnh Hy có nhiều bãi biển đẹp, quy mô vài trăm ha đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư xây dựng thành các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp. Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc hệ thống rừng đặc dụng quốc gia nằm sát biển, diện tích 30.000 ha là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của hệ sinh thái động thực vật rừng khô hạn.
Dọc bờ biển từ An Hải đến Mũi Dinh có rất nhiều đồi cát rộng. Nam Cương là một “sa mạc cát” vàng mênh mông được đánh giá hợp với các loại hình du lịch sinh thái mạo hiểm, trường đua mô tô trên cát, lướt sóng, leo núi… Đây cũng là khu vực mà tỉnh Ninh Thuận đang kêu gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, văn hóa các dân tộc cũng là một thế mạnh về du lịch. Ở Ninh Thuận các công trình kiến trúc tháp Chăm đầy bí ẩn gắn với lễ hội của người Chăm vẫn đứng đó sừng sững qua năm tháng. Nghệ thuật ca múa nhạc dân gian đặc sắc trong tiếng trống Ghi năng; tiếng đàn Baranưng; điệu múa Apsara bên bếp lửa hồng đã “nêm” cho Ninh Thuận những “gia vị” đặc trưng chỉ nơi đây mới có.
Nhiều lễ hội như bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới, đánh mả la, thổi khèn bầu, đàn đá, đàn Chapi. Ở miền biển, ngư dân có các lễ cầu ngư, hội đua thuyền, lắc thúng… cũng thôi thúc du khách đi tìm lời giải.
Ngành du lịch của Ninh Thuận những năm trở lại đây có nhiều khởi sắc. Đến nay Ninh Thuận đã hình thành được một số cụm, điểm du lịch như Vĩnh Hy, Bình Tiên, Amanoi, Ninh Chữ, Vườn quốc gia Núi Chúa...
Cùng với Nha Trang, lượng khách du lịch tới Ninh Thuận tăng nhanh, năm 2016 đạt 1,29 triệu khách, gấp 19 lần so với năm 2000. Doanh thu du lịch Ninh Thuận cũng từ cũng tăng cao qua các năm, từ mức hơn 20 tỷ đồng (năm 1992) đã tăng lên tới hơn 2.000 tỷ đồng năm 2016.
Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh đang có 48 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với diện tích khoảng 1.800 ha, tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 132 khách sạn, cơ sở lưu trú với 2.843 phòng. Dự kiến sau 2 năm nữa - 2020 - Ninh Thuận sẽ bổ sung thêm 20.000 phòng, nhiều hơn số phòng Nha Trang hiện có là 12.838.
Trong 8 tháng năm 2018, Ninh Thuận đón hơn 2,13 triệu lượt khách, đưa doanh thu từ ngành du lịch của tỉnh đạt 1.966 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu mà tỉnh này đề ra là đến năm 2020 ngành du lịch đóng góp 12% GDP và giải quyết 13% lao động của toàn tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Ninh Thuận đang quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư vào ngành du lịch, nhất là sau khi Nghị quyết 115/NQ-CP ban hành các cơ chế ưu đãi đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế- xã hội. Những khung ưu đãi nhất đã được ban hành và cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp đã chọn Ninh Thuận trở thành “bến đỗ” cho dòng tiền đầu tư của mình, trong đó có Tập đoàn Crystal Bay - nhà đầu tư và phát triển du lịch với thế mạnh là mang tới dòng khách Nga đang trong xu hướng tăng trưởng mạnh. Crystal Bay trở thành nhà đầu tư lớn ở Ninh Thuận với nhiều dự án đang được gấp rút triển khai, thực hiện như: Sun Bay Park Hotel & Resort quy mô 3.300 phòng khách sạn 5 sao cùng công viên nước sát cạnh công viên Bình Sơn, tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3600 phòng cùng khu phố thương mại, công viên chuyên đề ở cửa biển Ninh Chữ, Mũi Dinh Ecopark trải rộng trên diẹn tích 766 ha với quy mô hàng chục ngàn phòng... Cùng với hệ sinh thái du lịch đã và đang tạo dựng, Tập đoàn Crystal Bay mang tới sự tăng trưởng đột phá cho ngành du lịch Ninh Thuận về cơ sở hạ tầng, lượng khách và doanh thu.
Các nhà quy hoạch lạc quan với cơ hội phát triển loại hình du lịch trải nghiệm trên cơ sở các thế mạnh độc đáo về văn hóa, phong cảnh, khí hậu… Bên cạnh đó, hình thành các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở khu du lịch Vĩnh Hy, Mũi Dinh...; phát triển loại hình du lịch kết hợp thưởng thức đặc sản rượu vang nho địa phương… cũng là những hướng đi của Ninh Thuận cho một tương lai lấy du lịch làm mũi nhọn phát triển kinh tế.