Cơ hội năm 2022 sẽ dành cho bất động sản xanh

Quỳnh Chi

Tại Việt Nam, xu hướng bất động sản xanh đang được thúc đẩy nhờ chính sách của Chính phủ và nguồn cung thị trường. Tính đến quý III/2021, có 201 dự án bất động sản tại thị trường Việt Nam được công nhận chứng chỉ xanh, số lượng này còn gia tăng trong tương lai.

Hiện nay, rất nhiều quốc gia đang phát triển các chính sách hướng tới mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững. Theo dự đoán của Savills, thập kỷ tới sẽ trở nên khó khăn hơn cho nhà phát triển khi phải quyết định giữa việc phá dỡ và xây mới bất động sản để có thể thực hiện đúng cam kết tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) hoặc phù hợp với quy định mới.

Trước tình hình này, nhiều nhà phát triển đang chủ động bảo toàn tài sản của mình bằng cách nâng cấp, thay đổi mục đích sử dụng hoặc rao bán. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chuẩn rõ ràng đối với việc đo lường khấu hao lượng năng lượng tiêu thụ, các nhà phát triển chưa đủ cơ sở để quyết định việc duy trì bất động sản cũ hay làm mới.

Theo tính toán của Cục Môi trường Liên bang Đức (UBA), gần một nửa lượng phát thải trong vòng đời của ngôi nhà thụ động (xây dựng theo tiêu chuẩn tiêu thụ năng lượng thấp của Passivhaus) là năng lượng xám. Điều này có nghĩa là mất 43 năm vận hành để bù cho lượng phát thải từ quá trình xây dựng. Các nhà phát triển cần xem xét tổng thể năng lượng tiêu thụ và mức phát thải trong toàn bộ vòng đời của bất động sản để đạt được những mục tiêu về môi trường.

Tính đến quý III/2021, có 201 dự án bất động sản tại thị trường Việt Nam được công nhận chứng chỉ xanh. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Tính đến quý III/2021, có 201 dự án bất động sản tại thị trường Việt Nam được công nhận chứng chỉ xanh. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Còn tại Việt Nam, xu hướng bất động sản xanh đang được thúc đẩy nhờ chính sách của Chính phủ và nguồn cung thị trường. Tính đến quý III/2021, 201 dự án bất động sản tại thị trường Việt Nam được công nhận chứng chỉ xanh. Giới chuyên gia dự báo, bất động sản xanh sẽ hướng tới nguồn cung và cầu cao hơn sau khi đã trải qua diễn biến dịch Covid-19.

Tại buổi hội thảo về chiến lược phát triển bất động sản xanh ở Việt Nam tổ chức mới đây, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam chia sẻ: “Việc phát triển bất động sản bền vững có thể mang đến những thách thức nhất định, nhưng cũng là cơ hội tốt cho việc gia tăng lợi nhuận đầu tư thị trường bất động sản. Cân bằng chi phí đầu tư và cách thức đo lường năng lượng tiêu thụ sẽ là hai vấn đề các nhà đầu tư quan tâm. Một số khác không có nhu cầu đầu tư mới hoặc cải tạo bất động sản sẽ tập trung vào việc mua lại những dự án đã đạt được một số tiêu chuẩn bền vững nhất định”.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong quá trình đầu tư, các nhà phát triển bất động sản nên cân nhắc lợi ích về môi trường và xã hội thay vì chỉ nhìn vào tổng lợi nhuận. Xung đột lợi ích có thể xảy ra khi một tài sản với khả năng sinh lời cao nhưng mâu thuẫn với các yếu tố quyết định khác. Ví dụ, một mảng đầu tư phổ biến trong thị trường bất động sản thế giới là nhà ở. Tuy nhiên, những tòa nhà dân cư đạt tiêu chuẩn xanh có thể có tốc độ hoàn thiện chậm, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, chi phí và khả năng thanh khoản. Bởi vậy, tiềm năng sinh lời của bất động sản này là một bài toán khó trong chiến lược đầu tư bền vững.

Xét về chi phí, chuyên gia cũng cho hay, bất động sản xanh tạo ra sự chênh lệch về giá dựa trên những yếu tố sau: Chi phí tiêu hao năng lượng thấp hơn là tiền đề cho giá thuê cao hơn. Bên cạnh đó, bất động sản xanh mang đến những tiềm năng về lợi nhuận tốt hơn không chỉ thể hiện ở yếu tố xanh mà còn đi kèm với nhiều giá trị khác. Đáng chú ý, thương hiệu của một tòa nhà xanh, tuy khó đo lường, nhưng sẽ được cân nhắc bởi chủ đầu tư và khách thuê. Với các yếu tố trên, xu hướng tương lai trong năm 2022, bất động sản xanh sẽ là phân khúc được đặt nhiều kỳ vọng với nhà đầu tư và nhà phát triển dự án. 

Tin Cùng Chuyên Mục