Yêu cầu chuyển nhượng Skypec từ Vietnam Airlines về Tập đoàn Dầu khí
Trong thông báo kết luận ngày 23/6 của Thường trực Chính phủ tại cuộc làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và 19 tập đoàn, tổng công ty về sản xuất kinh doanh, Chính phủ yêu cầu CMSC xử lý phương án chuyển nhượng Công ty Nhiên liệu hàng không (Skypec) từ Vietnam Airlines về PVN. Đây là nhiệm vụ được giao cho 2 tập đoàn này vào tháng 9/2022.
Phương án chuyển Skypec về PVN nhằm hỗ trợ tái cơ cấu Vietnam Airlines và phát triển năng lực của PVN trong chuỗi sản xuất, cung ứng xăng dầu. Trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, CMSC được yêu cầu báo cáo các bộ và đề xuất hướng xử lý, báo cáo Phó thủ tướng Lê Minh Khái trước ngày 15/7.
Việc chuyển nhượng Skypec là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu của Vietnam Airlines. Trước đó, hồi đầu tháng 2 năm nay, Vietnam Airlines đã công khai ý định bán vốn tại Skypec khi thông báo mời các đơn vị tư vấn lập, triển khai phương án chuyển nhượng vốn.
Động thái này là một trong các nỗ lực tái cơ cấu của Vietnam Airlines để khắc phục những khó khăn tài chính. Tuy nhiên, với việc chuyển nhượng phần vốn cho một doanh nghiệp nhà nước là PVN, chưa rõ liệu Vietnam Airlines có thu về được lợi nhuận từ hoạt động này hay không.
Trong trường hợp không thu về được lợi nhuận, hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines được dự báo càng thêm khó khăn, bởi Skypec hiện đang đóng góp một phần lớn kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines.
Chuyển nhượng “con gà đẻ trứng vàng”, Vietnam Airlines càng thêm khó
Skypec được thành lập theo quyết định số 768/QĐ-TCCBLĐ ngày 22/4/ 1993 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và chính thức đi vào hoạt động tháng 7/1993. Đến ngày 9/6/1994, Công ty thành lập lại theo quyết định số 847/QĐ-TCCBLĐ của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và được giao chức năng xuất nhập khẩu trực tiếp các sản phẩm hóa dầu và công ty chính thức hoạt động theo mô hình TNHH một thành viên từ ngày 01/7/2010, với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng Việt Nam do Tổng công ty Hàng Không VIệt Nam là chủ sở hữu. Sau đó, Skypec được nâng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng.
Hiện Skypec đã và đang cung cấp nhiên liệu cho tất cả các hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 04 sân bay Quốc tế lớn của Hàn Quốc với chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có nhiều khách hàng lớn như: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Korean Air, All Nippon Airways, Qatar Airways, Cathay Pacific, China Airlines, Vietjet Air, Bamboo airways,…. Với năng lực phục vụ khoảng trên 214.000 chuyến bay/năm với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn/năm và mức tăng trưởng trên 10% mỗi năm.
Giai đoạn trước dịch, Skypec là một trong những "con gà đẻ trứng vàng" của Vietnam Airlines.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, sản lượng nhiên liệu Hàng không bán ra của Skypec đạt hơn 7,4 triệu tấn bình quân tăng trưởng hơn 10%/năm; doanh thu hơn 109,2 nghìn tỷ đồng bình quân tăng trưởng hơn 10%/năm; lợi nhuận trước thuế hơn 1.945 tỷ đồng, tăng trưởng trung bình 31,8%/năm trung bình mỗi năm Skypec gần 400 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 17.157 tỷ đồng, bình quân tăng trưởng 22,1%/năm.
Năm 2020, với sản lượng hơn 0,9 triệu m3, Skypec ghi nhận doanh thu 11.200 tỷ, lãi trước thuế 31 tỷ đồng, giảm so với những năm trước đó nhưng vẫn khá hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Năm 2021, công ty bán ra thị trường ít nhiên liệu bay hơn, chỉ khoảng 0,65 triệu m3, nhưng lợi nhuận lại tăng lên hơn 100 tỷ đồng. Công ty giải thích nhờ đã thực hiện tiết kiệm chi phí và tối ưu quản lý hàng tồn kho.
Vietnam Airlines thua lỗ 13 quý liên tiếp từ quý 1/2020 khi COVID-19 bùng phát cho tới quý 1/2023 vừa qua. Thương vụ thoái vốn khỏi Skypec, nếu diễn ra thành công, có thể giúp cải thiện kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines trong năm 2023. Tuy vậy, nếu chuyển Skypec về PVN, Vietnam Airlines cũng đã mất đi con gà đẻ trứng vàng, "cõng" khoản lợi nhuận kha khá cho doanh nghiệp trong lúc thị trường khó khăn.
Năm 2022, hoạt động kinh doanh của Skypec có chiếu hướng tích cực trở lại khi lợi nhuận sản xuất kinh doanh đạt xấp xỉ 180% kế hoạch năm.
Ở chiều ngược lại, trong quãng thời gian dịch bệnh, đa phần các công ty được Vietnam Airlines góp vốn như Nasco, NCS, VACS đều lỗ từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Với việc cắt đi Skypec, hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines sẽ càng thêm khó khăn. Hãng hàng không quốc gia đã trải qua 12 quý lỗ liên tiếp và đang rất gần với án hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tính tới cuối quý 1/2023, Vietnam Airlines đã lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng.
Mới đây, Vietnam Airlines thông báo hủy danh sách cổ đông đã chốt ngày 24/5 và chốt lại danh sách vào ngày 11/7 để họp Đại hội cổ đông thường niên 2023. Ngày họp chính thức mới vẫn chưa được ấn định mà chỉ dự kiến trước 30/8/2023.
Hãng hàng không quốc gia cho biết cần có thêm thời gian để chuẩn bị cho đại hội, trong đó có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Nếu sau khi kiểm toán Vietnam Airlines vẫn lỗ (như báo cáo tự lập) thì công ty sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines cũng bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 12/5 do chậm công bố thông tin.
Kết thúc quý 1/2023, HVN ghi nhận doanh thu thuần gần 23.500 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ (11.620 tỷ đồng), lợi nhuận gộp đạt hơn 1.959 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 1.595 tỷ đồng); lợi nhuận khác lỗ gần 38 tỷ (cùng kỳ lãi hơn 121 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 19 tỷ.
Tuy nhiên sau khi trừ thuế, HVN ghi nhận lỗ sau thuế 37,33 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ (-2.686 tỷ đồng) - trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lỗ hơn 137 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ (-2.443 tỷ đồng).
Theo giải trình từ HVN, lỗ sau thuế quý 1/2023 của Báo cáo tài chính công ty mẹ và BCTC hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do tổng doanh thu và thu nhập khác quý 1/2023 của công ty mẹ tăng 113,8% so với quý 1/2022 (tăng hơn 9.569,2 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 116%, tương đương tăng hơn 9.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (doanh thu nội địa tăng 76,5%, quốc tế tăng 618,5% do thị trường phục hồi mạnh, Tổng công ty đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế so với thời điếm trước dịch).
Mặt khác, tổng chi phí quý 1/2023 của công ty mẹ tăng 67% tương đương tăng 7.264,7 tỷ đồng so với quý 1/2022 chủ yếu tăng chi phí giá vốn (tăng tương ứng với tăng sản lượng). Tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác của quý 1/2023 nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí dẫn đến công ty mẹ lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.525 tỷ đồng và lỗ sau thuế giảm hơn 2.305 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lỗ sau thuế hợp nhất quý 1/2023 giảm so với quý 1/2022 chủ yếu do giảm lỗ của Công ty mẹ, PA và các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 31/3/2023, HVN có 2.846 tỷ tiền và các khoản tương đương tiền. Nợ ngắn hạn tăng 1.500 tỷ lên tới gần 55.000 tỷ đồng trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 13.700 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối -34.303 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu -10.239 tỷ đồng.