Lịch sử ngành “chứng khoán cướp biển” ở Somalia
Theo dòng lịch sử, giao dịch chứng khoán hiện đại đã xuất hiện từ rất sớm với công ty Đông Ấn Hà Lan. Để huy động vốn cho những dự án kinh doanh của mình, họ đã bán cổ phiếu cho công chúng và trả cổ tức dựa trên sự “ăn nên làm ra” của công ty, thường liên quan đến những chuyến buôn bán trên biển xuyên lục địa.
Ở một khía cạnh nào đó, Sàn giao dịch chứng khoán Cướp biển ở Somalia đang nỗ lực “tiếp nối truyền thống” ban đầu của những “ông tổ” ngành kinh doanh hàng hải.
Năm 2009, ở thị trấn đánh cá tiêu điều Harardhere, cách thủ đô Mogadisho của Somalia tới 250 dặm về phía Đông Bắc, những người đứng đầu thị trấn đã nhận ra rằng họ cần có một hành động mang tính bùng nổ nào đó để cứu vãn nền kinh tế địa phương đang “tuột dốc không phanh” do những cơ hội thương mại dần bị bó hẹp. Lúc này, chính phủ Somalia đang chú tâm tới việc dập tắt ngọn lửa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, và đây chính là thời cơ tốt để thị trấn nhỏ này làm cái việc mà nó giỏi nhất: “xuất khẩu”… cướp biển.
Ở Harardhere, những người dân bình thường sẽ tham gia vào một băng đảng tư nhân nào đó với lý do cực kì đơn giản là tránh cuộc sống quân phiệt, nghèo đói và nạn trộm cắp vặt. Tiền chính là “kẻ thống trị” ở đây và những băng nhóm cướp biển bắt đầu được thành lập rồi lớn mạnh dần. Cũng theo đó, Sàn giao dịch chứng khoán Cướp biển đầu tiên trên thế giới cũng ra đời.
Từ một thị trấn bị lãng quên, đến mức ngay cả các cơ quan chính quyền cấp trên cũng “quên” cấp nguồn tài trợ cho các trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng công cộng ở đây; năm 2011, Harardhere bỗng “vụt sáng” trở thành một địa phương phồn hoa, giàu có, tấp nập xe hơi sang trọng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.
Tiết lộ với phóng viên của Reuters, một cựu thành viên cướp biển cho biết: "Ai cũng có phần và mọi người đều có thể tham gia, dù là trên biển hay trên bộ bằng cách cung cấp tiền mặt, vũ khí hoặc vật liệu hữu ích. Chúng tôi đã biến nghề cướp biển thành một hoạt động cộng đồng”.
Nền kinh tế dựa trên việc cướp bóc trên biển này mạnh mẽ đến nỗi có thể thâu tóm toàn bộ công dân thị trấn, kể các các quan chức và chính quyền. Mohamad Adam, một nhân viên an ninh địa phương thậm chí còn phát biểu với báo giới: "Kinh doanh liên quan đến hành vi cướp bóc đã trở thành hoạt động kinh tế mang lại lợi nhuận chính trong khu vực của chúng tôi và với tư cách là người dân địa phương, chúng tôi phụ thuộc vào sản lượng của cướp biển".
Cách thức hoạt động độc nhất vô nhị
Đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nào cho biết số lượng các băng đảng cướp biển, song theo tờ The Wall Street Journal, có hơn 70 cách thức hoạt động hàng hải khác nhau được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Cướp biển ở Harardhere.
Tương tự như Công ty Đông Ấn Hà Lan, khi một phi vụ cướp được thực hiện thành công trên biển, các nhà đầu tư sẽ được đoàn hải tặc chi trả một phần trong tổng lợi nhuận.
Các cá nhân đứng sau hoạt động cướp biển và các nhà đầu tư tiềm năng dường như đã khảo sát các tuyến đường giao dịch để tìm mục tiêu triển vọng mà họ tin rằng sẽ có khả năng thành công cao. Khi phát hiện ra thứ gì đó hấp dẫn, họ tài trợ cho “chuyến thám hiểm” và phó thác cho Sàn giao dịch chứng khoán Cướp biển. Bất kì ai cũng có thể tham gia tài trợ cho cuộc hành trình này với bất kì thứ gì, từ nhu yếu phẩm cho đến dầu hoả, vũ khí, thông tin hay tiền mặt.
Sau đó, đoàn hải tặc tiến hành tấn công những tàu container dọc theo tuyến đường đã tìm hiểu trước để lấy được hàng hoá quý giá nhất ở đó: con tin. Theo tờ Invstr, bảo hiểm vận chuyển phương Tây sẽ chi trả trung bình 4 triệu USD cho mỗi thuỷ thủ bị bắt làm con tin. Sau khi thu được tiền chuộc, mọi người được về nhà tương đối bình yên và quá trình này được lặp lại. Một phụ nữ đã đầu tư RPG-7 theo cách thức mạo hiểm như vậy và đã nhận được khoản tiền lời khó tin lên tới 75.000 USD.
The Wall Street Journal đưa tin: "Theo Phòng Thương mại Quốc tế, cướp biển làm tăng chi phí thương mại quốc tế lên 12 tỷ USD mỗi năm, và chỉ tính riêng ở Somalia, hơn 20 tàu thuyền và 400 con tin hiện đang bị bắt giữ".
Hậu quả của những pha đầu tư “liều”
Invstr đã chỉ ra rằng: do tính thanh khoản kém, thiếu quy định và “tham nhũng không thể tránh khỏi”, ngoài tiền ra, các nhà đầu tư vào Sàn chứng khoán Cướp biển này có thể mất nhiều thứ hơn nữa nếu như phi vụ thất bại. Không chỉ có vậy, họ chắc chắn sẽ phải gánh toàn bộ sức nặng của sự điều chỉnh thị trường khi chính phủ sụp đổ nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề cấp bách nhất hiện nay.
Nạn cướp biển gần như đã đạt đến giới hạn cao nhất mọi thời đại khi Sàn giao dịch Chứng khoán Cướp biển Harardhere thu hút được sự chú ý rộng rãi vào năm 2011. Tuy nhiên, sức nóng này đã dần giảm bớt. Nếu như năm 2010 và 2011, các vụ cướp trên biển trên phạm vi toàn thế giới được ghi nhận lần lượt là 445 và 439 vụ, thì năm 2012 đã giảm xuống đáng kể, chỉ còn 297 vụ. Năm 2020, con số này chỉ còn là 195 vụ. Đây có thể được coi là “chỉ số suy thoái” của nghề hải tặc, khiến những nhà đầu tư còn “ôm mộng” “liều ăn nhiều” sẽ phải cân nhắc lại. Dù sao thì cướp biển vẫn là một hành động phạm tội.