Vào cuối ngày 9 tháng 5, Bộ Tài chính Singapore thông báo nước này sẽ áp thuế bất động sản bổ sung ở mức 35% đối với những ngôi nhà được chuyển nhượng cho quỹ ủy thác mà không xác định được chủ sở hữu thụ hưởng lợi ích thực sự. Quy định mới sẽ có hiệu lực ngay trong tuần này.
Theo các nhà phân tích tại APAC Realty và Cushman & Wakefield Plc, mức thuế mới nhất nhằm bịt lỗ hổng mà giới siêu giàu lợi dụng lâu nay để mua nhiều nhà dưới dạng quỹ tín thác không rõ chủ sở hữu, từ đó tránh được các khoản thuế bổ sung.
"Quy tắc mới nhắm vào những người giàu có. Ngày càng nhiều người sở hữu tài sản ròng lớn đến Singapore, và thường họ sẽ tận dụng các quy định không rõ ràng để mua nhà dân dụng mà vẫn tránh được các khoản thuế bổ sung", Nicholas Mak, trưởng nhóm nghiên cứu ERA tại APAC Realty cho biết.
Singapore đã và đang buộc người giàu phải thực hiện nhiều nghĩa vụ hơn với xã hội để giảm bớt lo ngại về tình trạng bất bình đẳng. Hồi tháng 2, Chính phủ Singapore đã nâng mức thuế đối với một số loại tài sản như xe sang hay các thu nhập bất thường.
Được biết đến là một trong những thiên đường bất động sản trên thế giới, thị trường nhà ở Singapore bắt đầu nóng lên vào năm ngoái khi giá nhà tăng cao nhất trong hơn một thập kỷ. Theo Knight Frank Singapore, doanh số bán các căn dinh thự ở "đảo quốc sư tử" đã tăng gấp ba lần vào năm 2021.
Bộ Tài chính Singapore cho biết hiện họ vẫn chưa nắm được dữ liệu chính xác về lượng nhà ở đã chuyển cho các quỹ tín thác. Mức thuế bổ sung được công bố "nhằm đảm bảo thị trường bất động sản nhà ở ổn định và bền vững".
Ở Singapore, người mua nhà phải đóng thuế khi tài sản được chuyển vào quỹ tín thác. Tuy nhiên cho đến khi có sửa đổi mới nhất, các tài sản được đưa vào quỹ tín thác mà không xác định được chủ sở hữu sẽ không phải chịu thêm thuế. Theo quy định mới, người mua có thể được hoàn lại thuế nếu biết danh tính của các chủ sở hữu thụ hưởng.
Ví dụ, cha mẹ có thể sử dụng ủy thác để mua nhà dưới danh nghĩa của con dưới 21 tuổi. Đứa trẻ phải là một công dân Singapore không sở hữu bất kỳ tài sản nào khác mới được miễn đóng thuế bổ sung. Cũng có trường hợp nhà được mua theo ủy thác mà danh tính người mua không rõ ràng. Chủ sở hữu có lợi có thể là một quỹ tín thác khác, trong khi chủ quỹ thứ hai có thể là một bên thứ ba nữa.
Việc tạo các quỹ tín thác cũng không hề rẻ. Theo thông tin được công bố trên trang web DBS Group Holdings, chỉ riêng chi phí thuê công ty luật lập quỹ đã tốn ít nhất 14.400 USD, chưa kể phí duy trì quỹ hàng năm cũng đắt đỏ không kém.
Vì những thủ tục phức tạp kể trên, số lượng nhà mua bằng quỹ ủy thác không rõ danh tính là rất hiếm. Theo Nicholas Mak, tỷ lệ chỉ rơi vào khoảng vài ngôi nhà trong hàng chục nghìn giao dịch chuyển đổi nhà cửa tư nhân ở Singapore mỗi năm.
"Quy định mới sẽ tác động rất ít tới phần đông cư dân Singapore nói chung", Wong Xian Yang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Cushman & Wakefield nhận định.
Link bài gốc