Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPSS) đã báo cáo kết quả đợt chào bán trái phiếu ra công chúng theo Giấy chứng nhận đăng ký chào bán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp ngày 10/2/2025.
Theo đó, kết thúc đợt chào bán vào ngày 3/3/2025, VPS đã phân phối thành công toàn bộ 50 triệu trái phiếu, với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, huy động về 5.000 tỷ đồng.
Trong tổng số trái phiếu phát hành, có 44,95 triệu trái phiếu (chiếm 89,91%) được phân phối cho 1.772 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Phần còn lại, hơn 5,04 triệu trái phiếu (chiếm 10,09%), được phân phối cho 8 nhà đầu tư tổ chức trong nước.
Loại trái phiếu này có kỳ hạn 24 tháng. Lãi suất áp dụng cho hai kỳ tính lãi đầu tiên là 8,3%/năm. Đối với các kỳ tính lãi sau, lãi suất sẽ là giá trị cao hơn giữa 8,3%/năm và lãi suất thả nổi (được tính bằng tổng của 2,5% và lãi suất tham chiếu).
Mục đích chính của đợt phát hành này là để tăng quy mô vốn hoạt động của VPS, phục vụ cho các hoạt động như cho vay giao dịch ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán chứng khoán, tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Sau đợt phát hành, nợ dài hạn của VPS tăng từ 200,8 tỷ đồng lên 5.200,8 tỷ đồng. Tổng nợ của công ty cũng tăng từ 23.667,5 tỷ đồng lên 28.667,5 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 16/1/2025, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của VPS đã thông qua phương án chào bán trái phiếu ra công chúng nói trên. Bên cạnh đó, cổ đông VPS cũng thông qua phương án chào bán riêng lẻ 70.000 trái phiếu chuyển đổi năm 2025, với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tương đương giá trị phát hành tối đa 7.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu chuyển đổi này có kỳ hạn tối đa 2 năm, dự kiến phát hành trong một đợt, nhằm mục đích cơ cấu lại khoản nợ và tăng vốn khi trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của VPS cho thấy doanh thu hoạt động đạt hơn 1.544 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 3% so với cùng kỳ. Trong đó, nghiệp vụ môi giới chứng khoán vẫn đóng góp lớn nhất với 618,3 tỷ đồng, nhưng giảm 23%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 458,2 tỷ đồng, tăng 36%. Hoạt động tự doanh mang lại khoản lãi đáng kể.
Chi phí hoạt động của VPS trong quý IV/2024 giảm mạnh 42% so với cùng kỳ, còn gần 604 tỷ đồng, chủ yếu do giảm lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL).
Đáng chú ý, doanh thu khác về đầu tư của VPS tăng đột biến từ gần 32,7 tỷ đồng lên 448 tỷ đồng. Kết quả, VPS báo lãi ròng quý IV/2024 đạt 837,3 tỷ đồng, tăng 329% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPS đạt 3.156 tỷ đồng, vượt gấp đôi kế hoạch đề ra (1.500 tỷ đồng) và là mức lợi nhuận kỷ lục của công ty. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.521 tỷ đồng, gấp 3,7 lần năm 2023.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của VPS đạt gần 30.371 tỷ đồng, tăng hơn 35% so với đầu năm. Các khoản cho vay chiếm 12.493 tỷ đồng, tăng 7,4%, trong đó cho vay margin đạt mức cao kỷ lục 12.209 tỷ đồng. Danh mục tài sản FVTPL có giá gốc 8.091,6 tỷ đồng, chủ yếu là công cụ thị trường và trái phiếu niêm yết. Tổng nợ phải trả của VPS tăng 41% lên 19.006 tỷ đồng, phần lớn là do tăng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.