Kết thúc tháng 7 không như mong đợi, thị trường chứng khoán khởi đầu tháng 8 khá suôn sẻ. Đà phục hồi vào tuần cuối tháng trước vẫn được một số Bluechips duy trì. Đáng chú ý, BID bật tăng mạnh trong khi bộ đôi VCB, CTG điều chỉnh với mức giảm níu chân chỉ số. Ba ngân hàng này đều đã công bố báo cáo tài chính quý II/2021 vào cuối tuần với những kết quả trái chiều.
Cục diện giằng co kéo dài tiếp diễn với sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa nhóm vốn hóa lớn. Các cổ phiếu có đà hưng phấn từ đầu phiên tiếp tục nới rộng đà tăng trong khi các cổ phiếu đang điều chỉnh vẫn chưa được dòng tiền giải phóng. VN-Index vẫn gia tăng điểm số tuy nhiên mức tăng không lớn lực cầu không muốn tham gia kéo tiếp các trụ đang hưng phấn.
Dòng tiền không có sự đột phá, không bất ngờ khi thị trường tỏ ra hụt hơi về cuối phiên. Áp lực bán gia tăng mạnh dần thu hẹp đà tăng của hoàn loạt Bluechips như GAS, BID, MWG, MSN, FPT,... thậm chí HPG còn đảo chiều giảm nhẹ.
Ngoài BID, các cổ phiếu ngân hàng VCB, CTG, VPB, TCB, ACB, STB, MBB, EIB, LPB, TPB,... đều đồng loạt giảm điểm tạo ra áp lực lớn lên chỉ số. Bên cạnh đó, SAB, GVR, VHM cũng chất thêm gánh nặng lên thị trường.
Trong bối cảnh nhóm vốn hóa lớn chưa thể tìm được tiếng nói chung, một số midcap và penny đã tranh thủ vươn lên tạo điểm nhấn, nổi bật có thể kể đến MSH, DVP, HAH, VOS, BFC, LSS, HAI, TSC,...
Từ mức tăng hơn 12 điểm, VN-Index có thời điểm về sát tham chiếu trước khi được kéo lại đôi chút và kết phiên tại 1.314,22 điểm, tăng 4,17 điểm (+0,32%) với thanh khoản 21.253 tỷ đồng trong đó giá trị khớp lệnh đạt 19.792 tỷ đồng.
Trên HNX, SHB giảm sâu đã gần như phủ nhận mọi nỗ lực kéo đến từ NVB, VCS. Chỉ số HNX-Index kết phiên chỉ còn tăng 0,08 điểm (+0,03%) lên 314,93 điểm với thanh khoản hơn 2.600 tỷ đồng.
Ngược lại, các cổ phiếu trên UpCOM tận dụng khá tốt khoảng thời gian sau khi HoSE và HNX đóng cửa để hut thêm tiền. Với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu “họ” Viettel, UpCOM-Index kết phiên tăng 0,42 điểm (+0,48%) lên 87,35 điểm với thanh khoản 1.254 tỷ đồng.
Điểm tích cực đến từ giao dịch khối ngoại khi nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua ròng trên toàn thị trường lên hơn 290 tỷ đồng. Trong đó, SSI được mua ròng mạnh nhất với 111 tỷ đồng, theo sau lần lượt là HPG, HDB, VHM, FUEVFVND.