Trong phiên giao dịch sáng nay, với diễn biến không mấy khả quan ở các thị trường cùng khu vực khi chìm trong sắc đỏ trước nguyên nhân được cho là phát hiện ra biến thể mới và khả năng “quái ác” hơn cả Delta, thì thị trường trong nước cũng nguội dần về cuối phiên do áp lực bán gia tăng khi nhiều mã đã trở lại đỉnh cũ, tạo ra mẫu hình 2 đỉnh.
Sau nhịp hạ độ cao ở cuối phiên sáng, áp lực bán khá lớn lan sang phiên giao dịch chiều khiến thị trường quay đầu giảm điểm, thậm chí có thời điểm thủng mốc 1.490 điểm.
Mặc dù VIC vẫn là vị cứu tinh giúp VN-Index thoát khỏi phiên lao dốc mạnh khi đóng góp tới 4,5 điểm vào thị trường, nhưng chỉ số này vẫn chia tay vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm vừa được thiết lập trong phiên hôm qua ngày 25/11 bởi sắc đỏ bao trùm trên diện rộng.
Trong phiên sáng, nhiều cố phiếu nhóm ngành bất động sản và xây dựng đã đã tỏ ra đuối sức khi trở vè vùng đỉnh cũ tạo ra cuối tuần trước, thì phiên chiều rủi ro tạo mẫu hình 2 đỉnh càng hiển hiện hơn với nhiều cổ phiếu được gọi tên như HBC, CTD, DIG, NLG,... trong phiên chiều nay.
Nhiều nhóm ngày khác thậm chí còn đuối hơn như dầu khí, tin giảm giá dầu bồi thêm một nhịp giảm khá mạnh nữa sau nhịp giảm dài và mới chỉ phục hồi được 1-2 phiên gần đây. Tương tự là nhóm ngành nóng trước đây là cảng biển, nhiều mã hút tiền mạnh trước đây như GMD, HAH,... thậm chí chưa phục hồi lại giá ở đường MA20 đã quay đầu giảm điểm.
Phiên chiều nay, lực bán là rất lớn, có thời điểm VN-Index đã lùi về sâu tới ngưỡng 1.489 điểm tức là mất đi 22 điểm với điểm số cao nhất trong ngày. Biểu hiện này càng rõ khi nhìn vào danh sách số mã giảm giá chiếm áp đảo so với mã tăng. Quan trọng hơn, nhiều mã đang tạo mẫu hình giá cần rất lưu tâm như mẫu hình 2 đỉnh hoặc sóng giảm mở rộng do khả năng phục hồi yếu.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến chỉ số và khối lượng giao dịch thì phiên cuối tuần ngày hôm nay không phải là quá xấu, trừ việc biến ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm thành ngưỡng cản trong tuần tới. Thị trường sau 3 phiên tăng mạnh thì 1 phiên điều chỉnh như hôm nay cũng là diễn biến bình thường, tạo điều kiện cho dòng tiền cơ cấu lại để củng cố giúp VN-Index tiếp tục giữ được xu thế tăng.
Về mặt kỹ thuật, việc VN-Index tăng mạnh khi mở cửa phiên sáng vượt ra ngoài dải Bollinger Bands thì việc giảm trở lại là diễn biến bình thường, và có tác dụng lấp gap tạo ra trong phiên ngày hôm qua. Trên đồ thị chart tuần, kết thúc tuần giao dịch, các chỉ số kỹ thuật đều đang khá đẹp với dải Bollinger Bands mở rộng, MACD cắt lên, đường RSI mới chớm vào vùng quá mua nhưng chưa quá nóng,... Điều này đảm bảo cho xu hướng tích cực vẫn được duy trì dù có thể có thêm những phiên rung lắc.
Điểm tích cực nhất nằm ở nhóm VN30, đây là tuần có khối lượng giao dịch "suýt" lập kỷ lục, chỉ kém tuần giao dịch đầu tháng 6/2021. Dòng tiền vào mạnh nhóm cổ phiếu dẫn dắt trong rổ VN30, với VN30-Index giữ được kỷ lục độ cao mới khi kết tuần đã phá vỡ xu hướng đi ngang của chỉ số này trong 3 tuần trước đó. Đây là tín hiệu tích cực, đảm bảo cho thị trường khó giảm sâu, đồng thời giúp thị trường chung sẽ tiếp tục tăng điểm thời gian tới.
Chốt phiên, sàn HOSE có có 166 mã tăng (20 mã tăng trần) và 315 mã giảm, VN-Index giảm 7,78 điểm (-0,52%) xuống 1.493,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.106,47 triệu đơn vị, giá trị 35.413,74 tỷ đồng, giảm 3,95% về khối lượng nhưng tăng 11,36% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,83 triệu đơn vị, giá trị 2.620,26 tỷ đồng.