Ngày pháp luật

Chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao có gì khác so với gửi tiết kiệm thông thường?

Trúc Linh

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng rầm rộ phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao - chứng chỉ vốn không được phát hành thường xuyên quanh năm mà chỉ được đưa ra thành từng đợt tùy thuộc mỗi ngân hàng. Vậy chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao khác gì so với gửi tiết kiệm thông thường?

Chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao là gì?

Khi cuộc đua huy động vốn nóng lên, các ngân hàng thường tung ra chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn nhiều so với sản phẩm tiền gửi thông thường để thu hút khách hàng.

Về bản chất, cả chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi có kỳ hạn đều là sản phẩm huy động vốn của ngân hàng, giúp khách hàng sinh lời khi gửi một khoản tiền với thời gian và lãi suất cố định.

Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ là hình thức phổ biến nhất hiện nay, được tất cả các ngân hàng áp dụng để huy động nguồn tiền nhàn rỗi của khách hàng. Kỳ hạn đa dạng từ 1 tuần đến 48 tháng hoặc dài hơn.

Còn với chứng chỉ tiền gửi, về bản chất là một loại giấy tờ có giá tương tự như sổ tiết kiệm, được ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Tuy nhiên chứng chỉ tiền gửi không được phát hành thường xuyên quanh năm mà chỉ được đưa ra thành từng đợt tùy thuộc mỗi ngân hàng. Chứng chỉ tiền gửi cũng chỉ có được phát hành với một số kỳ hạn và thường là kỳ hạn.

Chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao có gì khác so với gửi tiết kiệm thông thường? - Ảnh 1

Khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi sẽ được hưởng mức lãi suất cạnh tranh, đi kèm một số điều kiện chặt chẽ hơn. Ngân hàng sẽ có quy định về số tiền tham gia chứng chỉ tiền gửi tối thiểu. Đồng thời, việc tất toán, rút tiền trước hạn đối với sản phẩm này cũng có những quy định cụ thể, tùy ngân hàng.

Nhìn chung, dù là chứng chỉ tiền gửi hay gửi tiền có kỳ hạn đều có những ưu và nhược điểm riêng. Nếu người gửi tiền quan tâm nhiều đến lãi suất, có khoản tiền có thể gửi dài hạn thì chứng chỉ tiền gửi là sự lựa chọn tốt hơn. Còn nếu khoản tiền không cố định và muốn dự phòng trường hợp rút trước hạn thì nên chọn gửi tiết kiệm.

Chứng chỉ tiền gửi áp dụng lần đầu tiên ở Mỹ lần đầu tiên vào năm 1961, sau đó được lưu hành ở Anh. Người sở hữu chứng chỉ này sẽ được hưởng lãi suất và được quyền cho, tặng và chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành.

Những quyền lợi nổi bật khi mua chứng chỉ tiền gửi như được hưởng lãi trên số tiền đã mua, tương tự như tiền gửi tiết kiệm, hàng tháng sẽ có lãi suất trên số tiền mà khách hàng gửi. Tuy nhiên, với chứng chỉ tiền gửi dài hạn, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm thông thường.

Chứng chỉ tiền gửi được chuyển nhượng, nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng tiền gấp hay không muốn sở hữu chứng chỉ tiền gửi đó nữa thì hoàn toàn có thể chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi của mình cho người khác, giá chuyển nhượng do hai bên cùng thỏa thuận. Khi đó, ngân hàng sẽ đóng vai trò trung gian xác nhận quyền chuyển nhượng sở hữu chứng chỉ tiền đó.

Cùng với đó, chứng chỉ này được cho, tặng, biếu, thừa kế, ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành, khách hàng hoàn toàn có thể cho hoặc tặng lại cho con cái, cha mẹ, người thân quen… Không quá phức tạp như tài sản thừa kế, cần có bản thừa kế, có luật sư, có người chứng kiến… Đối với chứng chỉ tiền gửi dài hạn khách hàng chỉ cần đến ngân hàng xác nhận cho, tặng, ủy quyền cho người khác. Ngân hàng sẽ hỗ trợ làm thủ tục cho hoặc tặng đơn giản, nhanh gọn.

Nóng cuộc đua huy động vốn

Còn nhớ cách đây 3 năm, hàng loạt ngân hàng đã áp dụng lãi suất chứng chỉ tiền gửi tới trên 9%/năm. Thời gian gần đây, hàng loạt các ngân hàng thương mại liên tục chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với các mức lãi suất hấp dẫn nhất, thậm chí còn được nhiều người gọi là "siêu ưu đãi lãi suất" là ở các kỳ dài hạn.

Cụ thể, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) mới đây ông bố chứng chỉ tiền gửi lên mức 8,4%/năm, áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi 18 tháng. Ngoài ra, những kỳ hạn khác cũng có mức lãi suất khá cao như 6 tháng là 7,5%/năm, 9 tháng là 7,8%, 12 tháng lên 8% và 15 tháng lên 8,2%. Đây là mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay.

Chương trình chứng chỉ tiền gửi của Ngân hàng Bản Việt có mức tiền từ 10 triệu đồng trở lên. Chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi sau 6 tháng có thể tự do chuyển nhượng dưới nhiều hình thức, bất cứ lúc nào.

Chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao có gì khác so với gửi tiết kiệm thông thường? - Ảnh 2

Tại SeABank, ngân hàng đang phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất 7,85% (kỳ hạn 36 tháng) và 7,7%/năm (kỳ hạn 24 tháng). Khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng. Trong khi với gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất cao nhất tại SeABank chỉ ở mức 7,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi của SeABank được cố định trong suốt kỳ hạn gửi và tiền lãi được trả định kỳ hàng năm cho khách hàng. Khách hàng sở hữu chứng chỉ tiền gửi có quyền thanh toán trước hạn, vay cầm cố, chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho theo quy định của pháp luật. Sau 12 tháng, khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng được quyền cầm cố thế chấp chứng chỉ tiền gửi tại SeABank với lãi suất vay ưu đãi.

Techcombank cũng đang có sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi Bảo Lộc, áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 6,5%/năm. Mức lãi suất này cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường của Techcombank (6,2%/năm). Để tham gia sản phẩm này, khách hàng cần gửi từ 100 triệu đồng trở lên. Lãi suất khi rút trước hạn đối với sản phẩm này cũng cao hơn so với tiền gửi không kỳ hạn.

Sacombank thì từ hồi tháng 7 đã công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức, triển khai từ tháng 7 cho đến hết năm 2022. Theo đó, khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm (84 tháng) sẽ nhận mức lãi suất hấp dẫn lên đến 7,33% trong năm đầu tiên, lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường. Ngân hàng cho biết khách hàng có thể linh hoạt chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi bất cứ lúc nào và có thể thế chấp khi có nhu cầu vay cầm cố chứng chỉ tiền gửi.

“Cơn sốt” lãi suất trên thị trường liên ngân hàng từng xảy ra cách đây khoảng một tháng, trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Khi đó lãi suất VND qua đêm đột biến tới 7 - 8%/năm.

Rất nhanh, NHNN lập tức có can thiệp, biến động trên chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhà điều hành luôn có mặt suốt nhiều tháng qua, làm con thoi bận rộn bơm - hút tiền cân đối thanh khoản ngắn hạn hệ thống, cũng như gián tiếp hỗ trợ các cân đối lớn hơn như tỷ giá, lạm phát…

Lần này, lãi suất tăng vọt lên 7,74%/năm, thậm chí đã có thông tin khối nguồn một số ngân hàng thương mại (NHTM) chuyền tay mức chào hơn 10%/năm; các kỳ hạn khác trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng mạnh.

Tin Cùng Chuyên Mục