Thị trường chứng khoán trong nước mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021, ngày 4/1, trong trạng thái khá hưng phấn. Đây cũng là phiên bắt đầu áp dụng quy định giao dịch lô chẵn mới với đơn vị tối thiểu 100 cổ phiếu/lệnh trên sàn HoSE, cao gấp 10 lần so với trước đây.
Cuối phiên, một kỷ lục về tổng giá trị thanh khoản được xác lập với 16.250 tỷ đồng trong một phiên. Nhìn lại cả một giai đoạn thăng hoa từ cuối năm ngoái, với lượng nhà đầu tư mới (F0) ồ ạt thì thị trường đang trong trạng thái tiền “quá nhiều tiền”.
Kỷ lục thanh khoản liên tiếp bị phá
Cường độ dòng tiền đổ vào thị trường trong những tháng gần đây đo được là rất mạnh giúp cho thanh khoản luôn duy trì ở mức cao. Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 vào ngày 4/1, đỉnh thanh khoản lịch sử đã được xác lập với hơn 16.200 tỷ đồng giúp chỉ số tăng 17 điểm. Dòng tiền lớn lan tỏa trên toàn thị trường giúp các nhóm ngành đều tăng điểm liên tiếp trong những phiên gần đây, nhà đầu tư cảm giác cứ xuống tiền là có lời.
Kỷ lục thanh khoản này không giữ được lâu khi bị phá ngay phiên sau đó, vào hôm nay (5/1) với mức 17.000 tỷ đồng và VN-Index vẫn tiếp tục hưng phấn khi tăng với biên độ lớn (12 điểm) chiếm mốc 1.132. Với những phiên dòng tiền được “đẩy căng” trên 15.000 tỷ đồng như vậy, nỗi lo duy nhất của thị trường lúc này là nghẽn hệ thống.
Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, dòng tiền thị trường nhận được đến từ 2 nguồn chính. Thứ nhất là nguồn vốn bổ sung của nhóm công ty chứng khoán ngoại, các công ty chứng khoán nội trong Top những công ty lớn nhất (các nguồn này được huy động từ nguồn tăng vốn, phát hành trái phiếu…) rót vào thị trường thông qua dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin).
Thứ hai là dòng tiền từ các nhà đầu tư mới (F0) - chứng kiến sự dịch chuyển lớn của dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang kênh đầu tư chứng khoán khi nền lãi suất tiền gửi giảm mạnh về mức thấp (với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn chỉ quanh mức 4%/năm, sau khi trừ đi lạm phát khoảng gần 3% năm 2020 thì lãi suất thực dương gần như không đáng kể).
Chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng nhận định sự dịch chuyển quy mô lớn của dòng tiền có một phần lý do từ việc lãi suất Ngân hàng Nhà nước (dựa trên lãi suất tái cấp vốn) đã giảm 3 lần trong năm 2020 (từ 6% trong năm 2019 còn 4% trong tháng 9/2020). Đồng thời, lãi suất điều hành giảm khiến các ngân hàng diều chỉnh lãi suất tiền gửi khiến dòng vốn tìm kênh đầu tư mới.
Khi lãi suất càng giảm thì các chuyên gia nhận định tài khoản mở mới ngày một nhiều và xu hướng dịch chuyển tiền tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác sẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Vì lẽ đó, các chính sách hạn chế tín dụng vào các kênh đầu tư rủi ro vẫn được Ngân hàng Nhà nước duy trì, giúp hạn chế nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán là thị trường của những kịch bản phục hồi kinh tế và dòng tiền của các nhà đầu cá nhân.
Nhiều cơ hội mới được mở ra
Trong các báo nhận định thị trường năm 2021, hầu hết các công ty chứng khoán dự báo sẽ là một năm tốt khi lãi suất còn thấp và cơ hội cho các ngành kinh tế, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ được mở ra.
Theo nhận định từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Bước sang năm 2021, trong ngắn hạn, giá của cổ phiếu chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong khi xét về trung và dài hạn thì các yếu tố cơ bản, nhất là tăng trưởng lợi nhuận vẫn có vai trò quan trọng nhất.
Năm nay, với mức lợi nhuận phục hồi tốt, ngay cả khi tính đến việc pha loãng cổ phiếu do phát hành thêm, niêm yết mới thì với mức định giá hiện tại, VN-Index có thể hướng tới mục tiêu tăng khoảng 22% so với năm 2020. Trong những thông tin tích cực như thế này thì các cơ hội liên tiếp được mở ra.
Cụ thể, cơ hội thiết thực nhất là doanh nghiệp tận dụng đà hưng triển khai kế hoạch tăng vốn với giá chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hấp dẫn hơn so với giá thị trường. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện điều này như Hưng Thịnh Incons, Becamex, Rạng Đông, Cienco 4, IDJ… với mức giá thấp hơn giá thị trường từ 30-60%.
Về cơ hội tổng quan cho thị trường, trong báo cáo mới được công bố, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã có những đánh giá tích cực về triển vọng chứng khoán Việt Nam trong năm 2021. KBSV cho rằng Việt Nam sẽ có cơ hội được nâng hạng trong kỳ xét duyệt tháng 9/2021 của FTSE. Theo những thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc nâng cấp hệ thống giao dịch, lưu ký, bù trừ toàn diện đang ở vào những giai đoạn triển khai cuối cùng và có thể bắt đầu chạy thử nghiệm vào năm sau.
KBSV đánh giá việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là cú huých tích cực, giúp thị trường có thể thu hút dòng tiền của khối ngoại với quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó giúp tâm lý nhà đầu tư hưng phấn, kéo thị trường tăng điểm trước giai đoạn được công bố nâng hạng như từng diễn ra với các thi trường được nâng hạng trước đó là Romania và Saudi Arabia.
Ngoài ra, chính sách tăng cường đầu tư công vào hạ tầng của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự hồi phục kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành sắt thép, vật liệu xây dựng phục vụ cho việc đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, công ty chứng khoán VNDirect dự báo VN-Index sẽ cán mốc 1.180 điểm trong năm 2021 với động lực đến từ bốn yếu tố. Thứ nhất, đà tăng trưởng của tổng cầu nội địa và niềm tin người tiêu dùng hồi phục sẽ hỗ trợ bán lẻ, thực phẩm và đồ uống phục hồi nhanh hơn các ngành khác. Thứ hai, hoạt động đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào cơ sở hạ tầng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng và hạ tầng hàng không.
Tóm lại, năm 2021 được dự báo sẽ có sự hồi phục khả quan của kinh tế thế giới và vì vậy sẽ là một năm tốt cho thị trường cổ phiếu lẫn nhà đầu tư cá nhân khi lãi suất còn thấp. Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý rủi ro tăng cao khi nhà đầu tư cá nhân gia tăng sử dụng margin và Mỹ dán nhãn Việt Nam là “thao túng tiền tệ” làm tăng nguy cơ Mỹ đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường.
Link bài gốc