Hành trình gây dựng sự nghiệp từ… trái mít
Sinh năm 1961, doanh nhân Nguyễn Lâm Viên là một trong số 9 người con của một gia đình có cha làm công chức nhà nước, mẹ làm chủ một quầy tạp hoá nho nhỏ. Những năm ấu thơ, ông Nguyễn Lâm Viên đã trải qua một cuộc sống khá khó khăn, như bao lớp người cùng thời. Nguồn sống chính của cả gia đình không thể trông vào đồng lương công chức ít ỏi của người cha, mà dựa vào tiệm tạp hoá có tên Đức Thành ở chợ Gò Vấp do mẹ ông quán xuyến.
Thuở nhỏ, Nguyễn Lâm Viên không hề thích kinh doanh, ông cho rằng kinh doanh là “làm ăn lươn lẹo” để kiếm lời; đam mê của ông là âm nhạc và các môn khoa học xã hội. Tuy nhiên, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, ông đành phải vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Ngoài giờ học, chàng trai tên Lâm Viên còn đi bỏ mối pin, may chiếu thuê cho Tổ hợp chiếu Ngọc Xuân, Gò Vấp.
Từng theo học nghề cơ khí ở xưởng cơ khí Huỳnh Đức, sau này, ông Nguyễn Lâm Viên chuyển sang học ngành nông lâm và chuyển về công tác tại Công ty Nông trường Sông Ray – Đồng Nai. Đây chính là nơi ông được tiếp cận với việc xuất khẩu nông sản và học tập những điều cần thiết để đặt nền móng cho sự nghiệp kinh doanh sau này.
Sau khi rời Công ty Nông trường Sông Ray, ông về làm việc tại một công ty xuất khẩu ngành hàng mỹ nghệ ở Tp. Hồ Chí Minh. Từ đây, ông bắt đầu con đường kinh doanh riêng bằng Tổ hợp xuất khẩu mây, tre, lá Đồng Tâm. Khởi nghiệp với nguyên liệu mây, tre được một thời gian, ông Viên nhận ra rằng nguồn nguyên liệu này không phải là vô tận do phụ thuộc phần lớn vào việc khai thác trong tự nhiên, do vậy, ông lại trăn trở tìm hướng đi mới. Thời kì đó, công nghệ hút chân không ra đời và được áp dụng như một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Đó cũng là lúc đất nước bước vào thời mở cửa, Luật Doanh nghiệp được ban hành.
Công ty TNHH Đức Thành của ông Viên được thành lập nhờ mua được một thiết bị chế biến trái cây sấy khô trả chậm. Nhớ lại thời điểm đó, CEO Vinamit chia sẻ: khi ông nói sẽ làm mít sấy xuất khẩu, nhiều người cho rằng đó là một ý tưởng viển vông, quá khó và không thể thành công được, bởi mọi người khi ấy còn ăn chưa đủ no, nghĩ đến chuyện ăn ngon là quá xa xỉ.
Năm 1986, ông Viên quyết định ra nước ngoài học tập để tiếp thu những tiến bộ của thế giới với suy nghĩ: “Phải ra ngoài để xem các nước làm nông nghiệp ra sao. Nông dân Việt Nam nghèo quá, ăn cơm độn khoai, độn bắp dù đất đai thổ nhưỡng màu mỡ. Canh tác và phát triển không hiệu quả khiến giá trị nông sản luôn ở mức thấp. Muốn phá vỡ hiện thực đó, chỉ có cách duy nhất là học hỏi thế giới”.
Chuyến đi sang Đài Loan của ông được coi như một cơ duyên hiếm có, là yếu tố quan trọng hình thành nên Vinamit như ngày hôm nay. Tại đây, ông làm nghiên cứu sinh, học về nông nghiệp ông nghệ cao và những mẻ mít sấy thành phẩm đầu tiên cũng được xuất sang đối tác Đài Loan. Từ đó, những món ăn vặt từ rau củ quả sấy khô của ông nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn, Nhật, châu Âu…
Năm 1991, ông Nguyễn Lâm Viên thành lập công ty Vinamit tại Bình Dương và trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực khai thác và chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam. Sau 15 năm phát triển, hiện nay, Vinamit đã có mặt và điều hành hoạt động ở hầu hết các tỉnh và thành phố lớn trên toàn quốc với mức tăng trưởng là 35%, giữ vững trong 5 năm; tỉ trọng xuất khẩu chiếm 60% doanh số.
Cảm hứng sáng tạo từ tình yêu thương gia đình
Mới đây nhất, Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên đã nhận bằng sáng chế Mỹ với công nghệ đông khô nước mía, giữ được hương vị tươi ngon và chất dinh dưỡng nguyên bản. Ý tưởng độc đáo này của ông xuất phát từ tình thương yêu của người cha với con gái, mong muốn con mình được thưởng thức một ly nước mía đậm đà đúng chất Việt ở nước Mỹ xa xôi.
Quyết định ở lại Việt Nam để gây dựng các nông trại hữu cơ, mở chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm sạch, thu hút các startup trẻ góp sức vào công cuộc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, ông Nguyễn Lâm Viên đã không sang Mỹ sinh sống cùng gia đình. Một ngày mùa hè năm 2018, ông nhận được tin nhắn của Sophie – cô con gái đang làm bác sĩ tại một bệnh viện ở Hoa Kì. Sophie nói rằng đồng nghiệp ở bệnh viện của cô vừa đi chợ Việt Nam, họ khoe được uống nước múa thoả thích và nhắn với ba mình: “Con thèm nước mía quay quắt. Nhớ những lần về nhà, ba thường chở con ghé quán quen. Mía vừa róc ra, bỏ lên quay, ép lấy nước uống liền. Nguyên chất, ngọt lịm mà thơm lạ lùng. Chiều nay, con lén mẹ lái xe 45 phút đi kiếm thức uống tuổi thơ. Cũng nước mía mới ép, mà sao không ngon như ở nhà, ba ơi...". Điều này đã trở thành nguồn cảm hứng khiến ông Viên nảy ra ý tưởng chế thức uống đông khô để gửi cho con gái.
Nhiều tháng sau đó, ông trăn trở tìm cách chế “nước mía nguyên bản” với những yêu cầu kép đầy gian nan như: hình thức, mùi vị, các thành tố vi khuẩn, vi sinh… điều mà chỉ có thể thấy rõ ở trong phòng thí nghiệm. Thời điểm đó, đại dịch Covid-19 đang bùng phát, lan tràn trên toàn cầu và có những diễn biến phức tạp, thức uống bổ dưỡng, hỗ trợ miễn dịch tốt như nước mía chắc chắn sẽ là một sản phẩm hợp xu thế, được ưa chuộng.
Kiên định với “giấc mơ” ứng dụng công nghệ để sấy đông khô nước mía dựa trên nền tảng organic, không dùng chất phụ gia, điều vị hay bảo quản, ông đã liên tục thử nghiệm, biến đổi, sáng tạo các công đoạn trong quy trình công nghệ, sau 3 năm, cuối cùng sản phẩm nước mía chuẩn vị tự nhiên đã ra đời và được Mỹ cấp bằng sáng chế.
Không dừng lại ở nước mía, hiện Chủ tịch Vinamit tiếp tục chế biến thành công và đưa ra thị trường chuỗi sản phẩm sấy đông khô nguyên bản các loại trái cây, rau củ khác của Việt Nam. Chia sẻ về tâm huyết với ngành sản xuất và chế biến nông sản công nghệ cao, ông Nguyễn Lâm Viên từng nói: "Ai cũng mong muốn đạt doanh số cao, nhưng còn tùy thuộc vào thị trường, tuy nhiên sứ mệnh của chúng tôi là mang đến lối sống mới, sức khỏe và tươi trẻ, từ đó giúp mọi người ngày càng thành công và hạnh phúc hơn".
Trong thời đại số, Vinamit đã có những quyết sách quan trọng nhằm thích ứng với sự thay đổi về hành vi và phương thức mua sắm của người tiêu dùng, theo đó, công ty đã đầu tư đẩy mạnh nhận diện thương hiệu Việt, đưa sản phẩm tới tận tay khách hàng toàn cầu thông qua kết nối với các sàn thương mại điện tử, phục vụ cá nhân hoá… Doanh nhân Nguyễn Lâm Viên kì vọng, trong 5 năm tới, Vinamit sẽ chinh phục hơn 50 triệu người tiêu dùng, trong đó có 30 triệu người Việt và 20 triệu thành viên quốc tế.