Ngày pháp luật

Chủ tịch Trương Gia Bình tiết lộ về khả năng FPT IPO ở thị trường nước ngoài, khẳng định Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất chip trên toàn thế giới

Ngọc Diệp

Ngày 4/6, Công ty cổ phần FPT (Mã CK: FPT) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023.

Tại đại hội, ông Bùi Quang Ngọc – phó chủ tịch hội đồng quản trị đã công bố báo cáo hội đồng quản trị. Theo ông Ngọc, năm 2022 kinh tế thế giới chịu tác động từ nhiều yếu tố trái chiều, tuy nhiên tình hình kinh doanh của FPT vẫn có nhiều khả quan. Tổng doanh thu tập đoàn FPT đạt 44.010 tỷ đồng, tăng trưởng 23,4%, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 7.662 tỷ đồng. Riêng mảng công nghệ thông tin ghi nhận mức doanh thu đạt 25.763 tỷ đồng, tăng trưởng 23,4%.

Ông Bùi Quang Ngọc – phó chủ tịch hội đồng quản trị đã công bố báo cáo hội đồng quản trị. Ảnh: Ngọc Diệp
Ông Bùi Quang Ngọc – phó chủ tịch hội đồng quản trị đã công bố báo cáo hội đồng quản trị. Ảnh: Ngọc Diệp

Theo chia sẻ của Tổng giám đốc FPT, ông Nguyễn Văn Khoa, thị trường quốc tế là điểm sáng trong tổng lợi nhuận của FPT năm vừa qua, doanh số ký đã đạt gần 1 tỷ USD. Đặc biệt đã có khách hàng doanh số độc lập 100 triệu USD.

Tổng giám đốc FPT, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ tại Đại hội. Ảnh: Ngọc Diệp
Tổng giám đốc FPT, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ tại Đại hội. Ảnh: Ngọc Diệp

Về phương án chia cổ tức , hội đồng quản trị (HĐQT) FPT trình cổ đông chia cổ tức năm 2022 theo tỷ lệ 20% tiền mặt (2.000 đồng/cp) và 15% bằng cổ phiếu, tương ứng cổ đông cứ sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 15 cổ phiếu mới, nguồn trích từ LNST của công ty.

Năm 2023, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), vẫn là một năm “mong manh” với nền kinh tế toàn cầu. Theo IMF, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra một thời kỳ "biến động" về kinh tế, địa chính trị và sinh thái.

Đối với năm 2023, FPT đặt kế hoạch doanh thu 52.289 tỷ đồng ( tức khoảng 2,1 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ, tăng lần lượt 18,8% và 18,2% so với kết quả năm 2022.

Trong cơ cấu doanh thu, khối công nghệ dự kiến sẽ đem về doanh thu nhiều nhất với 31.150 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ và chiếm gần 60% tổng doanh thu. Hai khối viễn thông và giáo dục, đầu tư khác mục tiêu tăng trưởng lần lượt 14% lên 16.739 tỷ và 25% lên 4.400 tỷ.

Trong đó, mục tiêu mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài hướng đến doanh thu 1 tỷ USD (chỉ tính riêng công ty phần mềm FPT - FPT Software) chứ không tính công ty cổ phần hệ thống thông tin – FIS. Mảng dịch vụ CNTT trong nước hướng đến mục tiêu phục vụ 1 triệu doanh nghiệp trong nước.

Về lợi nhuận, khối công nghệ dự kiến đóng góp 4.166 tỷ đồng LNTT, tăng 24%, khối viễn thông đem về 3.230 tỷ đồng LNTT trong khi LNTT khối giáo dục, đầu tư và khác dự kiến đạt 1.659 tỷ đồng.

Trong mảng công nghệ FPT đặt mục tiêu hệ sinh thái made by FPT có khoảng 200 sản phẩm dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT chia sẻ về mục tiêu trong năm 2023: “Khối Công nghệ, hướng đến hợp đồng vài chục, vài trăm triệu USD tại Mỹ, Nhật, châu Âu và đầu tư mỗi năm từ 35 – 50 triệu USD cho các mục tiêu M&A và mở rộng lãnh thổ; đẩy mạnh chuyển đổi số để kiến tạo hạnh phúc cho Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Khối viễn thông đầu tư mạnh vào hạ tầng, có thêm cáp quang biển, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hơn các nhà cung cấp dịch vụ khác. Lĩnh vực giáo dục tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam và thế giới, mang lại cho người học những trải nghiệm tốt nhất”.

Trong phần trả lời câu hỏi của cổ đông, khi được hỏi về việc kết quả kinh doanh trong hai tháng đầu của năm có vẻ như không mấy khả quan, ông Trương Gia Bình cho biết doanh thu ước tính tăng trưởng 18%, lợi nhuận có thể tăng trưởng 18% hoặc hơn trong quý 1/2023. Động lực chính vẫn xuất khẩu phần mềm ước tính tăng trưởng trên 25%.

Chủ tịch Trương Gia Bình trả lời chất vấn của cổ đông. Ảnh: Ngọc Diệp
Chủ tịch Trương Gia Bình trả lời chất vấn của cổ đông. Ảnh: Ngọc Diệp

Tuy nhiên mảng kinh doanh trong nước hoặc đi ngang hoặc giảm trong quý 1/2023 trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Cũng theo ông Bình, doanh thu chuyển đổi số của FPT trong khoảng thời gian đầu năm có thể chưa cao nhưng trong cả năm 2023 có thể tăng trưởng từ 35% đến 40%.

Về vấn đề biên lợi nhuận của mảng viễn thông FPT giảm trong 2 tháng đầu năm, nguyên nhân chính do chi phí mua bản quyền truyền hình và chi phí mảng viễn thông vẫn chưa được tối ưu. FPT đang nỗ lực tối ưu các chi phí để duy trì biên lợi nhuận mảng này trong năm nay tương đương năm 2022.

Cổ đông đưa ra câu hỏi về việc FPT hướng đến hình ảnh của một tập đoàn toàn cầu, vậy FPT liệu có tính đến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại các thị trường nước ngoài như Singapore hay Mỹ. Về vấn đề này, ông Trương Gia Bình cho biết FPT hiện đã có hiện diện tại gần 30 quốc gia và như vậy là một tập đoàn toàn cầu, việc có IPO trên các thị trường nước ngoài hay không hiện chưa tính đến và bản thân FPT cũng chưa nhìn thấy lợi ích khác biệt thực sự lớn của việc IPO ở nước ngoài so với việc huy động vốn từ trong nước.

Về mảng chip điện tử vốn được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trên toàn cầu, quy mô ước tính 1.000 tỷ USD, cổ đông có đặt ra câu hỏi FPT sẽ tận dụng bối cảnh này để phát triển ra sao, ông Trương Gia Bình cho biết nhận định Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất chip trên toàn thế giới. Ông Bình cũng chia sẻ vừa rồi 1 tập đoàn chiếm 89% thị phần sản xuất chip của Mỹ sang VN và đánh giá VN là nơi tốt nhất để làm chip trong các lựa chọn Malaysia, Indonesia, đơn vị này cũng ép Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam để sản xuất chip.

Vấn đề thách thức nhất là nhân lực, theo kế hoạch thì Thủ tướng sẽ đến FPT và giao kế hoạch đào tạo nhân lực chip cho FPT. Chip FPT đang có 25 triệu sản phẩm chip đã bán được, rất may FPT có mạng lưới khách hàng lớn và FPT cũng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khác để cùng sản xuất chip.

Tin Cùng Chuyên Mục