Ngày pháp luật

Chủ tịch Masan nghĩ gì sau 2 năm mua lại VinCommerce?

Giang Phạm

Chấp nhận khoản lỗ 100 triệu USD khi mua VinCommerce, ông chủ Masan từng nghĩ thị trường sẽ tán thưởng. Tuy nhiên, phản ứng thực tế lại khác xa với kỳ vọng.

Trong báo cáo thường niên 2020 vừa công bố của Công ty cổ phần tập đoàn Masan (MSN), ông Nguyễn Đăng Quang bất ngờ có những chia sẻ về thương vụ mua lại VinCommerce cuối năm 2019. Theo đó, khi công bố về thương vụ, ông từng tin rằng mọi nhân viên, nhà đầu tư và thị trường sẽ nhiệt liệt tán thưởng quyết định này. Tuy nhiên, phản ứng thực tế của thị trường lại trái ngược với kỳ vọng. 

Chấp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ VinCommerce, trong khi MSN chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ, nhà đầu tư nghi ngờ về quyết định chuyển hướng bất thường của tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh. Cùng với đó, thương vụ làm công ty đã đa ngành càng đa ngành hơn và tiếp tục khắc sâu nghi ngại việc mua bán sáp nhập của Masan không đạt được mục tiêu chiến lược và tài chính như mong muốn.

Điều này tác động ngay lập tức đến cổ phiếu của công ty này khi giá giao dịch giảm một nửa chỉ trong vòng một tháng.

Masan lên kế hoạch để khẳng định quyết định mua VinCommerce là đúng đắn
Masan lên kế hoạch để khẳng định quyết định mua VinCommerce là đúng đắn

Sau hai năm, khi các khoản lỗ luỹ kế do thương vụ mua lại dần được bù đắp, ông Quang mới cho biết kế hoạch của Masan khi ấy là chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây nền móng cho một doanh nghiệp có quy mô khổng lồ và lợi nhuận vượt trội, đồng thời gọi thương vụ này là "lùi một bước cần thiết để tạo đà cho cú nhảy vọt". 

Cụ thể, mục tiêu trong vòng 1 năm đầu của VinCommerce dưới quyền điều hành của Masan là đưa EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) về điểm hoà vốn thông qua tái cấu trúc hệ thống. Hơn 700 siêu thị mini VinMart+ bị đóng cửa, chỉnh sửa chuỗi cung ứng hàng hóa, tinh gọn danh mục, trong tâm đặt vào khách hàng thay vì thúc đẩy doanh số. 

Trong vòng 5 năm tới, Masan sẽ xây dựng mạng lưới 10.000 cửa hàng bán lẻ tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền với kỳ vọng phục vụ 30-50 triệu người dùng, phát triển nhãn hàng riêng, kết hợp mô hình online và offline, đẩy mức tiêu dùng trung bình của khách hàng tại chuỗi từ 1% lên 25%. Nếu đạt được mục tiêu này, dự kiến tập đoàn của ông Quang sẽ có quy mô doanh thu 7-10 tỷ USD và lợi nhuận gộp tăng trưởng hai chữ số.

Bước cuối cùng là chuyển hóa The CrownX, công ty hợp nhất VinCommerce và Masan Consumer, thành nền tảng “Point of Life”. Các cửa hàng sẽ phát triển theo hướng trở thành điểm đến tất cả trong một (one-stop shop) phục vụ nhu cầu tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe. 

Riêng năm 2021, ít nhất 50% cửa hàng của chuỗi Vinmart sẽ kết hợp kinh doanh bán lẻ với cung cấp dịch vụ tài chính, gồm cả dịch vụ ngân hàng truyền thống và thanh toán kỹ thuật số. Techcombank là đối tác cung cấp các dịch vụ này.

Năm 2021, MSN đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng trưởng 19% - 30%, vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, trong khoảng từ 2.500 tỷ đồng đến 4.000 tỷ đồng. 

Tin Cùng Chuyên Mục