Do khó khăn trong quản lý chung cư cho thuê theo giờ, ngắn ngày vì nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao,..., mới đây cử tri TP HCM đã đề nghị Bộ Xây dựng giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh này và chế tài xử lý cụ thể.
Bộ Xây dựng cho rằng pháp luật về nhà ở đã có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày.
Tuy nhiên, quy định này cũng đang được đánh giá là còn nhiều điểm chưa rõ ràng đối với những người kinh doanh cho thuê căn hộ lưu trú.
Chủ nhà Airbnb khó xử vì luật
Anh Linh Phạm, một người đang kinh doanh cho thuê trên nền tảng lưu trú Airbnb với 2 căn hộ cho thuê ở quận 4 (TP.HCM) cho biết trong thời gian sắp tới, nếu chính quyền địa phương và ban quản lý chung cư thắt chặt việc kinh doanh cho thuê ngắn hạn, có thể anh sẽ buộc phải dừng khoản đầu tư này của mình.
"Luật Nhà ở quy định chung cư chỉ được sử dụng để ở. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương chưa cấm quyết liệt nên nhiều người vẫn kinh doanh Airbnb, làm văn phòng... Hiện tại tôi vẫn cho thuê nhà trên Airbnb nhưng nếu sắp tới không được phép cho thuê ngắn hạn, tôi sẽ cho thuê dài hạn như thông thường, nhưng sẽ khá khó khăn", anh Linh nói với Zing.
Theo anh đánh giá, gần đây đã có nhiều chung cư cao cấp tại khu vực trung tâm TP cấm kinh doanh Airbnb trong các căn hộ của dự án. Bên cạnh đó, công an khu vực cũng thường xuyên phối hợp, kiểm tra liên tục nên một khi đã có chỉ đạo quyết liệt từ các bên, những người kinh doanh Airbnb tại chung cư sẽ buộc phải dừng.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Phước Huyền Anh, chủ nhà đã kinh doanh trong lĩnh vực này 4 năm cho rằng Airbnb không hoàn toàn là cho thuê theo giờ hay ngắn hạn.
"Nhu cầu ở của khách thuê rất đa dạng, từ 1 ngày đến vài năm nên khó có thể đánh đồng Airbnb với kinh doanh lưu trú và khách sạn", chị Huyền Anh bày tỏ.
Ngoài ra, chị đánh giá việc cho thuê này cũng không khác biệt nhiều so với hợp đồng thuê theo tháng.
Cùng với đó, vấn đề tội phạm lưu trú tại các căn hộ chung cư cho thuê như vậy có thể tồn tại cả ở khách sạn thông thường, chung cư cho thuê dài hạn, căn hộ dịch vụ ngắn hạn... Cần có thống kê cụ thể về các trường hợp vi phạm pháp luật này trước khi khẳng định nhiều trường hợp sử dụng nhà cho thuê ngắn hạn cho hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao.
Nói với Zing, bà Lê Linh, Giám đốc Công ty TNHH Kona Real chia sẻ, hiện nay vẫn có rất nhiều chủ nhà tự kinh doanh dịch vụ cho thuê ngắn ngày. Dù trong thời điểm dịch Covid-19, lượng khách sụt giảm mạnh nhưng vẫn có nhu cầu.
"Hoạt động kinh doanh này hiện còn nhiều bất cập, nhưng lại là cơ hội cho những người mua nhà đầu tư cho thuê lại. Thời điểm dịch bệnh, khách thuê dài hạn không cứu nổi sự xuống giá của thị trường, trong khi nhu cầu thuê ngắn hạn vẫn rất cao. Chính vì vậy, thay vì cấm kinh doanh, Bộ Xây dựng nên đưa ra giải pháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường một cách tối ưu", bà Lê Linh bình luận.
Xung đột lợi ích kinh tế - luật pháp
Đánh giá về vấn đề này, luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết hiện nay trên thị trường rộ lên hình thức phát triển loại hình kinh doanh cho thuê nhà theo phương thức "chia sẻ phòng thuê", kể cả căn hộ chung cư, theo hình thức cho thuê ngắn hạn (theo giờ, theo buổi, ngày, tuần...). Bên cho thuê và bên thuê nhà thỏa thuận hợp đồng thuê nhà và thanh toán qua mạng mà không cần gặp nhau.
“Nếu là căn hộ chung cư đem cho thuê ngắn hạn (theo giờ, theo buổi hay theo ngày…) qua Airbnb thì Luật Nhà ở đang cấm. Nguyên nhân là căn hộ chung cư không được phép sử dụng vào mục đích kinh doanh”, luật sư Cường nhận định.
Theo quy định của pháp luật, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Các chủ thể kinh doanh phải đáp ứng những điều kiện theo quy định và phải thực hiện một số thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý về việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh.
Hiện tại, việc cho thuê phòng mô hình Airbnb chỉ thực hiện theo quy trình do doanh nghiệp đặt ra. Cụ thể, để cho thuê phòng trên Airbnb, bên cho thuê chỉ cần đăng ký tài khoản và đưa các thông tin về căn hộ cho thuê, giá thuê là hoàn thành.
Bên cho thuê nhà/căn hộ/phòng trên Airbnb không cần chứng minh đối tượng cho thuê đã đáp ứng đủ các điều kiện quy định về kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, an ninh an toàn… hay về kinh doanh.
Về mặt pháp lý, ngay cả khi các chủ thể thực hiện các thủ tục như nói trên, đây vẫn chỉ là yêu cầu chung áp dụng với mọi loại hình cư trú. Trong khi đó, pháp luật du lịch còn có các yêu cầu riêng áp dụng cho từng loại hình cư trú, trong khi đến nay chưa xác định Airbnb là loại cơ sở lưu trú nào nên không thể áp dụng.
Ông Trần Minh Cường cho rằng không thể phủ nhận những ưu điểm mà mô hình kinh doanh chia sẻ không gian lưu trú qua Airbnb mang lại, song mô hình kinh doanh này cũng chứa đựng không ít rủi ro, đối với cả người cho thuê và người đi thuê.
Chính vì vậy, vị luật sư đánh giá thực trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng của các ngành du lịch, thuế, quản lý thị trường, bất động sản… cần nhanh chóng có những nghiên cứu, thống kê, đánh giá và đưa ra những giải pháp quản lý cụ thể đối với mô hình kinh doanh này, bảo đảm đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở tôn trọng luật pháp, cạnh tranh lành mạnh. Nhận diện những thách thức mà Airbnb tạo ra nhằm đưa mô hình kinh doanh này vào khuôn khổ quy định của pháp luật.
Link bài gốc