Năm 2017 được ghi nhận là khoảng thời gian các tỷ phú kiếm được nhiều tiền nhất trong lịch sử. Theo một báo cáo của ngân hàng Thụy Sĩ UBS, những người giàu nhất trên thế giới đã tăng tài sản của họ lên gấp 5 lần, tương đương 8,9 nghìn tỷ USD.
Sự giàu có của các tỷ phú ngày nay đã tăng với tốc độ lớn hơn nhiều so với đầu thế kỷ 20 khi các gia tộc nổi tiếng như Rothschild, Rockefeller và Vanderbilts kiểm soát một khối tài sản khổng lồ. Những người cực kỳ giàu có nắm trong tay nhiều tiền đến nỗi một làn sóng mới về các gia đình đa thế hệ giàu có và quyền lực đang được tạo ra.
Trong vòng 5 năm qua, số tiền mà các tỷ phú đã qua đời để lại cho con cháu thừa kế tăng trung bình 17% mỗi năm và đạt 117 tỷ USD (khoảng 2691 nghìn tỷ VND) vào năm 2017. Chỉ riêng trong năm đó, có đến 44 người được thừa hưởng khối tài sản hơn 1 tỷ USD (23 nghìn tỷ VND).
Hầu hết các tỷ phú thế giới đều ở Mỹ, nhưng số người giàu có đang tăng cực kỳ nhanh ở Trung Quốc, nơi có hai tỷ phú được tạo ra mỗi tuần. Mười hai năm trước, quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ là nơi sinh sống của 16 tỷ phú. Hiện nay, họ có đến 373 tỷ phú, chiếm gần một phần năm tổng số người giàu toàn cầu.
Một tỷ phú người Trung Quốc chia sẻ: “Không nơi nào khác trên thế giới bạn có thể tìm thấy điều kiện phát triển tốt hơn ở Trung Quốc. Sự tiến bộ liên tục có được nhờ những hỗ trợ từ các chính sách của chính phủ, từ đó tạo ra các doanh nhân mới đầy quyền lực”.
Trung Quốc tạo ra hai tỷ phú mỗi tuần
Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS cho biết thế hệ đầu tiên tạo ra tài sản, thế hệ thứ hai bảo tồn nó và thế hệ thứ ba phát triển và gia tăng cả gia tài. Thế hệ tỷ phú mới được sinh ra trong thời đại internet và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Họ có nhiều thông tin hơn và can đảm hơn trong việc thử nghiệm những ý tưởng mới.
Một tỷ phú thừa kế 30 tuổi cho biết: "Tôi nghĩ rằng thế hệ của tôi muốn đạt được một cuộc sống toàn diện hơn và rũ bỏ sự ảnh hưởng của các thế hệ trước. Chúng tôi muốn tạo ra tác động cho xã hội. Các khoản đầu tư của chúng tôi sẽ phản ánh chúng tôi là ai và niềm tin của chúng tôi là gì”.
Nhưng không phải tất cả khối tài sản khổng lồ của các tỷ phú được chuyển cho con cái của họ khi càng ngày càng nhiều người giàu đăng ký hoạt động Giving Pledge - nghĩa là dành ít nhất một nửa số tài sản của họ cho từ thiện. Hơn 180 người đã đăng ký chương trình này với sự tiên phong của Bill Gates và Warren Buffett.