Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, mở cửa cho ba giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) tham gia thử nghiệm là Cho vay ngang hàng, Chấm điểm tín dụng và Chia sẻ dữ liệu qua Open API.
Theo quy định, giải pháp cho vay ngang hàng là nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin do các công ty Fintech cung cấp, có chức năng kết nối thông tin và hỗ trợ giao kết hợp đồng trên nền tảng số giữa bên đi vay và bên cho vay. Đồng tiền sử dụng trong các giao dịch này là đồng Việt Nam.
Đối tượng tham gia và những giới hạn thử nghiệm
Khách hàng được phép sử dụng giải pháp cho vay ngang hàng bao gồm:
Bên cho vay: Là pháp nhân (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) được thành lập theo pháp luật Việt Nam, hoặc cá nhân có quốc tịch Việt Nam.
Bên đi vay: Là pháp nhân (không bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) được thành lập theo pháp luật Việt Nam, hoặc cá nhân có quốc tịch Việt Nam.
Công ty cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng tham gia Cơ chế thử nghiệm phải là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, và đặc biệt không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp này cũng không được trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản.
Trong khuôn khổ thử nghiệm, các công ty cho vay ngang hàng bị đặt ra nhiều giới hạn để đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi các bên. Cụ thể:
Chỉ được cung ứng giải pháp trong phạm vi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Không được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác không nêu trong Giấy chứng nhận.
Không được tự cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay của khách hàng.
Không được hoạt động với tư cách là khách hàng (bên đi vay hoặc bên cho vay) trên chính giải pháp do mình cung cấp.
Không được cung cấp giải pháp cho vay ngang hàng cho công ty cầm đồ.
Yêu cầu chặt chẽ về quản lý nợ và minh bạch thông tin
Để được cấp phép tham gia thử nghiệm, giải pháp cho vay ngang hàng phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể, tập trung vào quản lý rủi ro và minh bạch thông tin:
Quản lý dư nợ và kết nối CIC: Phải có biện pháp để xác định và quản lý dư nợ tối đa của từng bên đi vay. Đồng thời, phải báo cáo và khai thác thông tin tín dụng tức thời về bên đi vay tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) để đảm bảo tuân thủ quy định về dư nợ tối đa. Mức dư nợ tối đa đối với một bên đi vay (tại một giải pháp và tổng cộng trên toàn bộ các giải pháp tham gia thử nghiệm) sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Kênh giải ngân, thanh toán: Việc giải ngân và thanh toán khoản vay, lãi, phí phải được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc qua ví điện tử của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Thời hạn khoản vay: Hợp đồng vay giữa bên đi vay và bên cho vay sử dụng giải pháp này có thời hạn không được vượt quá 2 năm.
Bên cạnh đó, Nghị định yêu cầu các công ty cho vay ngang hàng phải tăng cường minh bạch thông tin. Công ty phải công bố thông tin trên trang điện tử chính thức, đồng thời phải có báo cáo tài chính hàng năm được kiểm toán độc lập và được công bố công khai trên trang web của công ty.
Đối với bên cho vay, Nghị định nhấn mạnh trách nhiệm đảm bảo nguồn tiền để cho vay là hợp pháp và không sử dụng tiền đi vay để cho vay lại.
Việc đưa P2P Lending vào Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý an toàn để mô hình này phát triển, đồng thời giúp cơ quan quản lý có cơ sở thực tiễn để xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh trong tương lai, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên và kiểm soát rủi ro cho hệ thống tài chính.