Ngày pháp luật

Chính sách có hiệu lực từ tháng 5/2023: Cấp "sổ hồng" cho condotel, officetel; thay đổi cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính

Linh Chang

Ngoài ra, quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính; thu hồi sim không chuẩn hóa thông tin... là những điểm mới cần lưu ý.

Cấp "sổ hồng" cho condotel, officetel

Theo Nghị định 10/2023 có hiệu lực từ ngày 20/5, các công trình lưu trú du lịch được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được cấp chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) nếu đáp ứng đủ điều kiện pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Thời hạn sử dụng quy định trong sổ không quá 50 năm.

Chính sách có hiệu lực từ tháng 5/2023: Cấp "sổ hồng" cho condotel, officetel; thay đổi cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính - Ảnh 1

Riêng với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm.

Với nghị định này, các công trình căn hộ khách sạn (condotel), nhà phố - biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) được xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được cấp sổ hồng. 

Thu hồi sim không chuẩn hóa thông tin

Đến ngày 15/5 tới, những thuê bao chưa chuẩn hóa sẽ bị thu hồi số. Đợt chuẩn hóa nhắm đến những thuê bao có thông tin không khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp sử dụng sim không chính chủ, sim đăng ký bằng giấy tờ cũ như chứng minh nhân dân nhưng khớp với cơ sở dữ liệu sẽ không thuộc diện phải cập nhật.

Tuy nhiên, Cục Viễn thông khuyến khích người dùng chủ động kiểm tra thông tin, đăng ký sim chính chủ, chuyển sang số căn cước công dân để hưởng đầy đủ quyền lợi.

Việc chuẩn hóa thuê bao di động giúp kịp thời ngăn chặn, xử lý việc dùng sim điện thoại lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Ngoài ra, thông tin thuê bao chính xác giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu.

Quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BTC ngày 21/3/2023 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2023.

Thông tư 18 nêu rõ, hình thức thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thông tư này hướng dẫn về xác định thời điểm người vi phạm đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt tương ứng với 02 hình thức nộp tiền phạt (tiền mặt và chuyển khoản).

Trường hợp nộp tiền phạt bằng tiền mặt trực tiếp, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc người có thẩm quyền thu tiền phạt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP xác nhận trên chứng từ thu, nộp tiền phạt.

Trường hợp nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản, ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày người nộp tiền phạt nhận được thông báo giao dịch tiếp nhận khoản tiền nộp phạt thành công từ ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để nộp vào ngân sách nhà nước.

Thay đổi cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính

Ngày 20/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 14 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/5/2023.

Theo Nghị định, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: tài chính - ngân sách, hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc bộ theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm 28 đơn vị thay vì có 29 đơn vị như quy định cũ. Vụ Chính sách thuế tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

Sử dụng QR để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính

Thông tư 01/2023 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng mã QR trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, hiệu lực từ ngày 25/5. Việc áp dụng cung cấp mã QR phải bảo đảm theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7322:2009 (ISO/IEC 18004:2006).

Mã QR được in ở góc trên bên trái của các giấy tờ được xuất bản từ dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, mã QR phải bao gồm mã số hồ sơ; mã thủ tục hành chính; mã định danh của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính; tên giấy tờ được xuất bản, tên hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu và thời điểm xuất bản.

Ngoài ra, mã QR trên Giấy tiếp nhận và hẹn trả kết quả phải cung cấp thêm ngày hẹn trả kết quả; mã QR trên Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải cung cấp thêm dữ liệu về thời hạn, phạm vi có hiệu lực (nếu có).

Tin Cùng Chuyên Mục