Thị trường trong nước
Chỉ số VNindex trong cuối tuần vừa rồi "giằng co" ở ngưỡng kháng cự 940. Kết thúc cuối phiên thứ 6, chỉ số này vẫn không vượt qua được và dừng lại ở 937.45.
Điều này chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư vẫn con e ngại trước dịch Covid-19. Các chuyên gia phân tích cho rằng, chỉ khi chỉ số vượt được ngưỡng này thì mới khẳng định được nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để mua ở những vùng cao hơn.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã tìm được vùng cân bằng ở mức fibonacci 61,8% tương ứng xung quanh mốc 925 điểm và một lần nữa được kiểm nghiệm ngay phiên đầu tuần vừa qua. Chỉ số được dự báo sẽ gặp nhiều nhịp rung lắc trong tuần này khi tiến về ngưỡng fibonacci 50% ở khu vực 940-945 điểm, đây là vùng hỗ trợ cứng của thị trường trong phần lớn thời gian năm 2019 và bây giờ có thể trở thành vùng kháng cự quan trọng trong quá trình hồi phục của thị trường.
Giả sử thị trường có vượt được ngưỡng cản quan trọng này thì vẫn cần chờ đợi các phiên retest với thanh khoản thấp để củng cố thêm tín hiệu kỹ thuật. Vùng hỗ trợ của thị trường có thể ở khu vực 900 - 925 điểm tương ứng với các mức fibonacci 61,8% và 78,6%.
Dòng tiền chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu Mipcap nhờ hiệu ứng của EVFTA như Dệt may, thủy sản, mía đường,... Nhóm cổ phiếu Mipcap tăng 1,55% và nhóm cổ phiếu Smallcap tăng 2,69%.
Thanh khoản thị trường giảm cũng là điều không thể tránh khỏi trong tình hình hiện nay. Giá trị khớp lệnh bình quân tuần qua đạt trên 2.666 tỷ đồng, giảm 24,12% so với tuần trước đó tương đương so với mức bình quân kể từ đầu năm (~2.700 tỷ đồng).
Thị trường đang lấy lại vùng cân bằng và vận động theo xu thế dòng tiền với mức PE forward về mức thấp và hấp dẫn nhất 6 năm qua. Bởi vậy, đây có thể coi là vùng mua tiềm năng do đó cơ hội mua vào tiếp tục nằm trong các nhịp điều chỉnh của thị trường cho các nhà đầu tư trung và dài hạn.
Tuy nhiên, rào cản chính cho đà hồi phục ngắn hạn trước ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng 945 điểm đó là ảnh hưởng từ xu hướng chốt lời T+ và áp lực bán ròng tuần thứ 2 liên tiếp của NĐTNN.
Về xu hướng dòng vốn ETF: Tuần qua các quỹ ETF đang tập trung vào thị trường Việt Nam tiếp tục hút được thêm 7.71 triệu USD. Tổng giá trị thu hút được từ các quỹ ETF kể từ đầu năm đến nay đạt 25,3 triệu USD cho thấy tín hiệu khá tích cực
Thị trường thế giới
Tình hình thị trường thế giới ghi nhận 1 tuần phục hồi nhẹ khi Trung Quốc giảm thuế với gói 75 tỷ đô hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng cao, Dow Jones tăng 1.02%, S&P500 tăng 1.58%. Chỉ số của Đức và Pháp đều tăng ở mức khá.
Tại thời điểm hiện tại, số trường hợp nhiễm Covid-19 mới đã giảm thấp hơn số trường hợp khỏi bệnh, điều này cho thấy bệnh dịch đang được kiểm soát tốt.
Chính phủ Mỹ sẽ hạ thuế quan đối với 120 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 15% xuống còn 7,5%, đánh dấu lần đầu tiên các lệnh trừng phạt này được nới lỏng sau gần hai năm thương chiến căng thẳng.
Các nhà phân tích hiện ước tính tăng trưởng lợi nhuận quý IV là 2,3%, đảo chiều so với ước tính giảm 0,3% đưa ra hôm 1/1. Việc thị trường Mỹ khởi sắc đã hỗ trợ tâm lý cho nhiều thị trường khác trên toàn cầu, đồng thời xoa dịu tâm lý lo lắng của nhà đầu tư. Đáng chú ý, với việc dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, nhiều khả năng các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu sẽ có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Một số chính sách kích thích của chính phủ Trung Quốc:
- Nới lỏng tiền tệ của ngân hàng nhân dân Trung Quốc.
- Bộ tài chính thực hiện trợ cấp hoàn trả lãi vay, cắt giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch.
- Cho phép các công ty hoãn công bố tài chính.
- Phát hành 500 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ địa phương trước kế hoạch…
Chiến lược trong tuần
Chúng tôi vẫn tiếp tục ưu tiên nhóm nhóm cổ phiếu ngân hàng, Dược, bán lẻ, công nghệ, SX&PP điện… Nhà đầu tư không cần mua đuổi, duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải và tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để cơ cấu hoặc mở thêm vị thế mới.
Các mã cần chú ý thời điểm này là VCB, MBB, BID, TCB, CTG, MWG, PNJ, FPT, REE, POW, HPG, VRE, VHM, VNM, GAS, DRC.