Ngày pháp luật

Chi thường xuyên chỉ còn dưới 62% tổng chi ngân sách Nhà nước

Theo PV/VietnamFinance

Chiều 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.

Chi thường xuyên chỉ còn dưới 62% tổng chi ngân sách Nhà nước - Ảnh 1

 

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2018 của Chính phủ đánh giá năm 2018, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực hơn trước, đạt được nhiều kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước. Thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch đề ra. Nhiều chính sách về tài chính, thuế, ngân sách Nhà nước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách Nhà nước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 28,8% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi ngân sách Nhà nước (mục tiêu là dưới 64%). 

Báo cáo của Chính phủ chỉ ra tồn tại, hạn chế đó là công tác thu ngân sách Nhà nước ở hai địa phương (Bình Dương, Đồng Nai) không đạt dự toán, chủ yếu do nguyên nhân khách quan. Công tác chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, gian lận trong hoàn thuế, xử lý thu hồi nợ đọng thuế có những chuyển biến tích cực, song chưa đạt kết quả như mong muốn, do nhiều nguyên nhân nên số thuế nợ đọng còn lớn  chủ yếu là các khoản nợ không còn khả năng thu hồi và các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp chiếm tới 69,3% tổng số tiền thuế nợ; số nợ thuế, phí và nợ các khoản thu về đất chiếm 30,7% tổng số tiền thuế nợ. Qua công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2018 phát hiện nhiều đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước sai chế độ.

Việc thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững đã  hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu đề ra, cơ bản hoàn thành xử lý nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn.  

Công tác đổi mới cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) đạt được những kết quả bước đầu; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần. Song, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm; nhiều lĩnh vực dịch vụ công chưa tính đủ chi phí vào giá. Phương thức đấu thầu còn ít được áp dụng; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn bất cập, lúng túng.

Nguyên nhân do số lượng đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay là quá lớn; thu nhập của phần lớn người dân còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng chi trả; trong khi đó các hoạt động xã hội hóa dịch vụ công còn khó khăn do số cơ sở ngoài nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực này còn hạn chế, đặc biệt là ở những địa phương có điều kiện khó khăn... 

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội năm 2018.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Một số hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong báo cáo của Chính phủ còn đánh giá chung chung, chưa thể hiện được tinh thần và mục tiêu của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nhiều nhận định, đánh giá thiếu số liệu, dẫn chứng như đề cập tính khả thi của một số quy định pháp luật còn thấp nhưng chưa có thống kê để đề xuất sửa đổi... Chính phủ cần rà soát, bổ sung đầy đủ để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư vẫn chưa được khắc phục, đến 31/1/2019 chỉ đạt khoảng 75% kế hoạch vốn Quốc hội giao, nhiều địa phương giải ngân đạt thấp. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn chậm, giao vốn nhiều lần ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công…

Các tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm, ý thức chấp hành và tính tự giác của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có những hạn chế nhất định. Chính phủ cần tổng kết và đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế trong năm 2018 để có cơ sở đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tin Cùng Chuyên Mục