Ngày pháp luật

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI'

Theo Zing

"Daniel Zhang là một người cực kỳ thông minh và có tầm nhìn rộng. Anh ấy có cách tư duy tổ chức rất chặt chẽ", Max Zhang, CEO Lazada Việt Nam, chia sẻ về người kế nhiệm Jack Ma.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 1

Zhang YiXing hay Max Zhang, 36 tuổi, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, là cái tên có phần bí ẩn với truyền thông. Hồ sơ của ông trên mạng xã hội Linkedin thậm chí không có tấm ảnh cá nhân nào và thông tin ít ỏi về việc ông từng làm trợ lý cho Daniel Zhang, người được tỷ phú Jack Ma chọn kế nhiệm tại đế chế Alibaba.

Tiếp phóng viên Zing.vn tại văn phòng làm việc, ông Max Zhang thân thiện và gần gũi trong bộ trang phục đơn giản: áo thun, quần jeans và giày thể thao.

Ông mở đầu cuộc trò chuyện với lời tự thú: từng là một nhà báo trước khi chuyển sang ngành thương mại điện tử.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 2

- Lý do đằng sau bước ngoặt cuộc đời, chuyển từ nghề báo sang lĩnh vực thương mại điện tử của ông là gì?

- Chuyên ngành học của tôi là Văn học Trung Quốc và lúc đó người ta tuyển phóng viên tốt nghiệp ngành này.

Những năm 2007 - 2008, là một khách hàng mua sắm trên Taobao, tôi bắt đầu nghĩ mình có thể làm gì đó với thương mại điện tử. Sau đấy tôi giúp một công ty thiếp lập hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và rồi BestSeller Fashion Group (Công ty Thời trang hàng đầu tại Trung Quốc - PV) tuyển dụng tôi. Sự thay đổi diễn ra khá đơn giản và trơn tru.

Thời điểm đó, thương mại điện tử còn mới, mọi người đều phải học. Tôi hầu như không có kinh nghiệm gì về thương mại điện tử hay công nghệ. Nhưng sau 6 năm, tôi đã nỗ lực và học hỏi rất nhiều để trở thành Giám đốc Sản phẩm và có thể quản lý một đội ngũ công nghệ rất lớn.

- Hồ sơ Linkedin của ông tiết lộ việc ông thân cận với Daniel Zhang, người sẽ kế nhiệm Jack Ma và trở thành chủ tịch Alibaba vào năm tới. Không như Jack Ma, người Việt biết rất ít thông tin về Daniel Zhang. Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm khi làm việc cùng ông ấy?

- Tôi và Daniel Zhang đã là bạn trước khi làm việc chung với nhau. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là năm 2009. Khi đó tôi làm việc cho một nhãn hàng lớn vừa mở gian hàng trên Taobao, thời đó gọi là T-Mall.

Daniel là một người cực kỳ thông minh và có tầm nhìn rộng. Anh ấy có cách tư duy tổ chức rất chặt chẽ. Tôi tin rằng Daniel là người có thể biến tầm nhìn của Alibaba trở thành sự thật.

Chúng tôi gọi Daniel là AI (trí tuệ nhân tạo) vì anh ấy rất chính xác. Daniel không dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, rất tự tin và mạnh mẽ. Anh ấy cũng rất tử tế và quan tâm đến chi tiết. Đôi khi Daniel quan tâm đến cả bữa ăn trưa hay giấc ngủ của nhân viên. Làm việc với Daniel là một vinh dự.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 3

- Vậy còn phong cách lãnh đạo của ông là gì? Và nó có bị ảnh hưởng bởi Daniel Zhang hay không?

- Tất nhiên Daniel ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Anh ấy luôn chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước mỗi cuộc họp, Daniel sẽ đọc mọi thứ. Anh ấy cũng rất kiên nhẫn lắng nghe khi đưa ra những câu hỏi hóc búa với người trả lời.

Còn về bản thân, tôi nghĩ mình là một người thực tế, chi tiết, sáng tạo, đam mê.

Tôi nghĩ người lãnh đạo không thể chỉ nói những từ đẹp đẽ. Bạn có thể có kế hoạch rất tốt, chiến lược rất đáng tin, nhưng nếu không thực thi, bạn sẽ không thể biết bắt đầu tư đâu. Khi đó, rất khó để điều hành việc kinh doanh và quản lý đội ngũ.

Không phải chiến lược, không phải cách điều hành, quan trọng hơn cả là tập trung vào khách hàng. Vì vậy mỗi buổi sáng, tôi dành 1 tiếng hoặc thậm chí nhiều hơn để trò chuyện với những nhân viên trẻ của công ty, những khách hàng thật sự của Lazada.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 4

- Cơ duyên nào đưa ông đến Việt Nam?

- Làm việc tại Việt Nam là một cơ hội rất lớn, tôi thấy mình may mắn khi có mặt ở đây.

Alibaba cử nhân sự sang Việt Nam vì đây là một thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn nhất, nơi chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn.

- Ở Việt Nam, nhiều sàn thương mại điện tử lôi kéo khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá lớn như dịp Black Friday, 12/12. Chiến lược “đốt tiền” này như cách truyền thông thường gọi liệu có bền vững? Khách hàng đến vì giảm giá cũng sẽ ra đi khi không còn giảm giá?

- Không. Đó không bao giờ là chiến lược bền vững, đặc biệt nếu khách hàng nhận được giá rẻ đến mức thấp hơn cả chi phí. Nhiều công ty thương mại điện tử khác đã tiêu tốn rất nhiều tiền.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 5

Khi bắt đầu tiếp quản chiếc ghế CEO của Lazada vào tháng 3, một trong những điều tôi tập trung là phát triển công ty một cách bền vững. Không phải vì không có nguồn lực, mà vì chúng tôi tin vào triết lý của Alibaba và giờ đây là triết lý của chính Lazada. Đó là giúp những nhà bán hàng có thêm doanh thu, không phải thu hút họ bằng những khoản trợ cấp.

Rất nhiều các công ty thương mại điện tử đang sử dụng tiền trợ cấp để thu hút các nhà bán hàng và khi hết trợ cấp, các nhà bán hàng sẽ không thể tăng thu nhập từ sàn thương mại điện tử nữa.

- Vậy các ông có gì hấp dẫn để các nhà bán hàng tham gia?

- Chúng tôi cung cấp cho họ tất cả công cụ và điều đặc biệt nhất là lượt truy cập. Lượt truy cập có thể biến thành doanh thu. Đó là điều mà triết lý và công nghệ của Alibaba hướng tới.

Thực tế, Alibaba đã làm điều này trong 10 năm qua. Chúng tôi biết cách phân bổ lượt truy cập chính xác cho từng nhà bán hàng khác nhau. Các nhà bán hàng dù rất nhỏ vẫn có thể phát triển nếu tiếp cận được những khách hàng phù hợp, chẳng hạn như những người mong muốn đúng mức giá sản phẩm của họ.

Việc kết nối chính xác người mua và người bán phù hợp rất khó nếu không có dữ liệu lớn, công nghệ đám mây, thuật toán hay máy tìm kiếm. Tôi tin Lazada sở hữu một trong những công nghệ tốt nhất thế giới. Alibaba đã thành công khi kết nối 1 tỷ người dùng tại Trung Quốc với hàng triệu nhà bán hàng chứng tỏ công nghệ của chúng tôi mạnh đến thế nào.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 6

Đó là khoản đầu tư lớn nhất suốt 19 năm qua của Alibaba. Và chúng tôi áp dụng nó hoàn toàn cho Việt Nam và toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi không "đốt tiền", chúng tôi đang đầu tư. Chúng tôi đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở đây.

- Ông có nghĩ nền tảng công nghệ có đủ để khách hàng ở lại với Lazada mà không cần các chương trình khuyến mãi, đặc biệt ở một thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam?

- Tôi tự tin vào điều này. Thử tưởng tượng bạn muốn mua một chiếc ly với họa tiết trang trí. Một website gợi ý cho bạn chiếc ly với giá rất rẻ nhưng không có họa tiết bạn muốn. Trong khi đó, chúng tôi có thể cung cấp cho bạn chính xác mẫu ly này. Liệu bạn sẽ mua ở đâu?

Đó là lý do quan trọng vì sao công nghệ có thể giúp những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Miễn là họ cung cấp dịch vụ và sản phẩm tốt, chúng tôi sẽ giúp họ phát triển.

Đó là lý do tại sao chúng tôi không có các khoản trợ cấp. Chúng tôi muốn cung cấp lượt truy cập cho những nhà bán hàng thật sự muốn thành công chứ không phải những người chỉ muốn kiếm tiền.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 7

- Việc tạo điều kiện dễ dàng để các nhà bán hàng tham gia sàn thương mại điện tử khiến hàng hóa sẽ rất nhiều và khó kiểm soát. Khách hàng làm sao biết nên lựa chọn ai?

- Có 2 cách để giúp khách hàng tìm được các sản phẩm chất lượng. Thứ nhất, bạn có thể vào gian hàng của các thương hiệu lớn. Thứ hai, bạn có thể dựa vào xếp hạng của chính khách hàng.

Xếp hạng của khách hàng là cách mà tất cả ông lớn thương mại điện tử đều sử dụng.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều sản phẩm chính hãng là DNA, là xương sống của Lazada. Chúng tôi không bao giờ đánh mất nó.

- Khách hàng luôn mong đợi nhiều hơn ở các công ty. Họ muốn sàn thương mại điện tử sẽ tự loại bỏ các nhà bán hàng không trung thực?

- Hàng ngày Lazada đóng cửa rất nhiều gian hàng. Tôi không thể tiết lộ con số chính xác nhưng rất nhiều.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 8

Với những mặt hàng không được phép buôn bán trực tuyến, chúng tôi sẽ loại bỏ ngay lập tức. Chúng tôi không thể nói loại bỏ được tất cả hàng hóa kém chất lượng nhưng luôn cố hết sức.

Ở Trung Quốc, Taobao có 10 tỷ mặt hàng được bán online. Chúng tôi phải tinh chỉnh thuật toán để loại bỏ những hàng hóa kém chất lượng. Chúng tôi đang cố gắng triển khai thuật toán đó ở Việt Nam nhưng nó vẫn chưa hoàn thiện.

Việt Nam là thị trường mà Lazada đặt ra nhiều quy định giới hạn nhất. Bản thân tôi không tha thứ và chấp nhận vấn đề này. Chúng tôi có những khoản phạt cho các nhà bán hàng làm người mua thất vọng.

Và chính những nhà bán hàng không đạt tiêu chuẩn gây hại cho thương mại điện tử rất nhiều. Bán 100 sản phẩm, chỉ cần 1 sản phẩm trả lại thì tất cả lời lãi đi hết.

Mọi thứ không thể hoàn hảo ngay nhưng Lazada luôn cố gắng trở thành một trong những sàn thương mại điện tử tốt nhất.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 9

- Vậy việc người mua có thể trả hàng là khó khăn lớn nhất đối với hoạt động vận hành của Lazada?

- Với khu vực dành cho các thương hiệu, tôi nghĩ đúng là như vậy. Người tiêu dùng trả hàng là một rủi ro lớn nhưng chúng tôi sẵn lòng chấp nhận và có thể giải quyết nó.

Với loại hình market place, trong tương lai tôi nghĩ Lazada sẽ để người mua thương lượng với chính người bán. Khách hàng sẽ có quyền đạt được thỏa thuận với nhà bán hàng để trả hàng hoặc nhận giảm giá. Họ cũng có quyền để Lazada làm người phán xử. Chúng tôi sẽ hỏi người mua có cần phạt người bán hay không hay muốn nhận đền bù từ tiền cọc của nhà bán hàng.

Đây là những việc mà chúng tôi đã không làm trong một thời gian dài. Nhưng khi trở thành một nền tảng, chúng tôi sẽ tiến hành nó vào năm sau.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 10

- Ông đánh giá thế nào về thị trường thương mại điện tử Việt Nam? Thị trường Việt Nam còn đủ chỗ cho những gã khổng lồ khác?

- Thị trường Việt Nam rất rộng lớn và tiềm năng. Việt Nam là nước có dân số đông và tăng trưởng GDP nhanh. Và vẫn còn rất nhiều dư địa ở đây.

Lazada luôn khuyến khích sự xuất hiện của những công ty khổng lồ. Ở Đông Nam Á, Việt Nam là sự lựa chọn tốt nhất. Thị trường ở đây sẽ tăng trưởng tối thiểu 30% mỗi năm.

- Thị trường Việt Nam có khác nhiều so với Trung Quốc, nơi ông từng làm việc trong một khoảng thời gian dài?

- Hoàn toàn khác theo góc nhìn của tôi. Khi thương mại điện tử đến Việt Nam, smartphone đã có sẵn. Chúng ta không phải trải qua giai đoạn thương mại điện tử dành cho các máy tính cá nhân. Vì vậy tôi nghĩ chúng tôi không thể lặp lại bất cứ điều gì tại Trung Quốc và Mỹ.

Thị trường Việt Nam cũng rất độc đáo. GDP bình quân đầu người Việt Nam không cao nhưng mọi người đều sở hữu điện thoại thông minh. Nếu nhìn sang một số nước có mức thu nhập tương đương Việt Nam ở châu Phi, mức độ thâm nhập của smartphone thấp hơn nhiều. Vì vậy chúng tôi phải tập trung vào trải nghiệm trên di động của khách hàng.

Trong thực tế, điện thoại di động tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm online thường xuyên hơn. Và màn hình smartphone cũng đang ngày càng lớn hơn. Mạng Internet của Việt Nam cũng tương đối tốt. Đây là những điều kiện thúc đẩy các công ty có thể tạo ra nhiều nội dung để kích thích khách hàng mua sắm.

CEO Lazada Việt Nam: 'Chúng tôi gọi người kế nhiệm Jack Ma là AI' - Ảnh 11

- Có một thực tế là những công ty thương mại điện tử lớn nhất ở Việt Nam đều được hỗ trợ bởi các đại gia Trung Quốc. Nhiều người lo ngại hàng Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường. Ý kiến của ông về nhận định này?

- Đó không phải là điều tôi nghĩ. Tôi tin vào các nhà bán hàng địa phương, sản phẩm địa phương và thương hiệu địa phương. Thị trường Việt Nam xuất hiện những sản phẩm đến từ Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước khác là điều hết sức bình thường.

Tôi không muốn đem những sản phẩm không phổ biến với người Việt đến đây. Chúng tôi phục vụ khách hàng Việt Nam nên phải tìm ra những gì người Việt thật sự thích.

Tôi không quan tâm ai đầu tư vào chúng tôi mà quan tâm những ai chúng tôi đang phục vụ.

- Các công ty thương mại điện tử đang chạy đua trong dịch vụ giao hàng siêu tốc. Lazada có tham gia cuộc đua này hay không?

- Lazada luôn cải thiện tốc độ giao hàng nhưng tôi không tin vào các dịch vụ giao hàng siêu tốc. Thời gian rất nhanh nhưng chi phí cũng sẽ rất lớn. Và tôi không tin bất cứ thứ gì không bền vững.

Tôi nghĩ việc nhận hàng sau 1 ngày sẽ là đáp án tốt nhất trong hầu hết trường hợp. Thỉnh thoảng khách hàng có thể rơi vào trường hợp khẩn cấp cần nhận hàng ngay. Nhưng họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn để được hưởng dịch vụ đó. Còn lại tiêu chuẩn vẫn sẽ là giao hàng sau 1 ngày.

Trong khi đó, những dịch vụ giao hàng trong 4 tiếng hay 2 tiếng sẽ có chi phí rất đắt đỏ và hạ tầng ở Việt Nam là một trở ngại lớn để triển khai giao hàng siêu tốc.

Việt Đức

Đồ họa: Châu Châu

Ảnh Hoàng Việt

Tin Cùng Chuyên Mục