Với quan niệm “Không có cà phê đặc biệt, chỉ có những con người đặc biệt làm cà phê với cả lòng tận tâm”, năm 2013, “quán cà phê công xưởng đầu tiên” của Là Việt Coffee chính thức ra đời tại thành phố Đà Lạt.
Không chỉ mang đậm "chất Tây" trong phong cách thiết kế quán, mà những câu chuyện ý nghĩa của loại cà phê đã tạo nên một chất riêng chỉ có ở Là Việt.
Con đường đi tìm một "ly cà phê ngon đúng nghĩa"
Không ai có thể phủ nhận, cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của người Việt. Tính trong năm 2022, Việt Nam xuất đi toàn cầu 1,78 triệu tấn cà phê, đem về hơn 4,06 tỷ USD, trong đó 3/4 giá trị xuất khẩu là cà phê Robusta.
Hạt Robusta vốn cho ra những ly cà phê thơm nồng, đắng đậm, với hương vị mạnh mẽ, táo bạo. Đây cũng là loại hạt chiếm tới hơn 90% diện tích trồng cà phê tại Việt Nam.
Dường như với anh Trần Nhật Quang - Founder Là Việt Coffee, hạt cà phê này vẫn chưa đủ "thỏa" để cho một ly cà phê đúng nghĩa theo ý mình. Và rồi anh đã lựa chọn một cách làm cà phê khác, với một loại hạt khác - hạt Arabica.
Nếu như cà phê Robusta có vị đắng đậm, thơm nồng thì hạt cà phê Arabica lại có vị chua thanh, đắng nhẹ khi nuốt vào, gọi là hậu vị cà phê. Ngoài ra, trong mỗi hạt cà phê Arabica chỉ có 1,5% hàm lượng caffein, nhưng lại chứa hơn 60% chất béo, và gần gấp đôi lượng đường so với Robusta... Yếu tố này khiến không ít người đánh giá cà phê Arabica "nhạt nhẽo". Vậy nhưng, đây là lại loại cà phê yêu thích ở trên thế giới nhờ mùi thơm dễ chịu, vị thanh nhẹ và có chiều sâu tầng vị.
Nhận thấy sự tinh túy trong từng hạt cà phê Arabica, tháng 8/2013, Là Việt Coffee ra đời, trở thành đơn vị tiên phong “ngược dòng thị trường” với lựa chọn phát triển cà phê Arabica - loại hạt chỉ chiếm chưa đầy 10% diện tích trồng cà phê của Việt Nam.
Mục tiêu của anh Nhật Quang - Founder Là Việt Coffee là xây dựng một chu trình trọn vẹn từ gieo trồng đến hoàn thiện sản phẩm. Không những phải chăm chút từng khâu để bảo toàn sự tinh túy trong mỗi hạt cà phê, chu trình này còn cần đảm bảo lợi ích và thu nhập cho tất cả những người tham gia đóng góp.
Từ hạt cà phê tới ly cà phê thứ thiệt
Tại Việt Nam, anh Quang đánh giá Đà Lạt là một trong số ít những nơi đáp ứng hoàn hảo mọi điều kiện trồng Arabica. Vậy nhưng một mình trồng cà phê thì không đủ, phải tạo ra một cộng đồng cùng chia sẻ nhận thức, mới tạo nên sự thay đổi, khuyến khích người khác làm tốt hơn.
Nhận thấy đất trồng cà phê ở Đà Lạt sau một thời gian chạy theo sản lượng cao với các loại hóa chất nên kém chất lượng. Việc đầu tiên anh Quang khuyến khích hộ nông dân tại đây kiên trì đi theo quy trình canh tác tôn trọng tối đa tự nhiên.
Trong suốt quá trình chăm sóc cây, thu hoạch, anh cùng nhân viên theo sát, không cho nông dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, cỏ mọc chỉ cắt đi bón cho cây, và dùng phân hữu cơ.
Founder Là Việt cho rằng, việc định hướng người trồng cùng hoàn thiện chất lượng cà phê, tỉ mỉ trong tất cả các khâu sẽ giữ được nguyên vẹn tiềm năng vốn có của hạt trước khi đến tay nhà rang.
Cả hạt Arabica và Robusta đều đòi hỏi quy trình sơ chế nghiêm ngặt, nhưng anh Quang cho biết yêu cầu đối với Arabica cao hơn. Trái chín hái về trong ngày phải được sơ chế ngay lập tức để tránh lên men, do lượng đường trong hạt Arabica cao. Cũng bởi lẽ đó, phải kiểm soát rất chặt chẽ độ pH trong quá trình lên men để tránh làm cà phê bị chua.
Sau đó, chọn cách rang phù hợp và pha chế đúng kỹ thuật sẽ là những công đoạn tiếp theo, từng bước tạo ra một ly cà phê thứ thiệt.
Anh Trần Nhật Quang cho biết, đa số mọi người uống cà phê nguyên chất pha từ hạt Arabica sẽ cảm nhận vị chua là chủ đạo, nên ban đầu loại hạt này không được lòng số đông.
“Người Việt ưa thích vị đắng đậm. Tuy nhiên, khi đã hiểu về giá trị chất lượng và quen dần hương vị nguyên thủy của cà phê, mọi người đón nhận thoải mái hơn. Một bộ phận khách hàng như giới trẻ hay phái nữ - những người thường e ngại cà phê đậm - cũng có thêm lựa chọn phù hợp”, anh Quang nhìn nhận.
10 năm một chặng đường
Nhà sáng lập Là Việt ước tính, quá trình thuyết phục khách hàng mất tới 10 năm.
Trong 5 năm đầu tiên, anh coi đó như giai đoạn thử nghiệm của thương hiệu và khách hàng. Khách được gia tăng trải nghiệm, còn Là Việt có cơ hội hoàn thiện quy trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ.
5 năm tiếp theo, anh Quang cho rằng đã tới giai đoạn khách hàng có nhiều lựa chọn và khó tính hơn, buộc nhà sản xuất phải nỗ lực tiệm cận với khẩu vị của khách.
"Đây vừa là thử thách vừa là niềm vui với nhà sản xuất. Mỗi thị trường đòi hỏi người làm cà phê phải không ngừng sáng tạo, hoàn thiện để tạo ra cái mới”, ông chủ Là Việt bày tỏ.
Vị Founder này cũng tin tưởng rằng, khi làm ra giá trị đúng và phù hợp, đến một thời điểm thị trường sẽ cần tới giá trị đó và đón nhận.
Từ đội ngũ chỉ gồm một sáng lập viên và một nhân viên, sau 10 năm, Là Việt hiện có khoảng 200 nhân viên và 14 cửa hàng tại 4 thành phố Đà Lạt, TP. HCM, Hà Nội và Quy Nhơn.
Với sự ủng hộ của khách hàng dành cho Là Việt, anh Quang cảm thấy hài lòng với "trái ngọt" mình vun trồng từ 10 năm trước và ấp ủ một giấc mơ lớn hơn.
“Tôi nghĩ Việt Nam nằm trong số ít quốc gia vừa trồng được nhiều cà phê, vừa biến chúng thành nét văn hóa ẩm thực. Tôi muốn Là Việt có thể chia sẻ văn hóa cà phê không chỉ trong nước, mà tới khắp nơi trên thế giới”, anh chia sẻ.