Câu chuyện kinh doanh: Dệt áo từ sợi tre, sen, bã cà phê... và hành trình tạo nên sợi vải "xanh"

Linh Anh (t/h)

Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng, cơ hội để nâng tầm ngành dệt may chứ không chỉ dừng lại trở thành "công xưởng gia công" của thế giới. Nhưng để có được thành công đó, các đơn vị dệt may lớn cần cởi mở, chấp nhận rủi ro, thử chuyển mình để tối ưu tiềm lực sản xuất. 

Rác thải thời trang không còn là khái niệm quá xa lạ với người tiêu dùng. Bởi có nhiều hãng kinh doanh thời trang nhanh liên tục cho ra bộ sưu tập mới sử dụng nguyên vật liệu giá rẻ, hóa chất trong quá trình xử lý. Cùng thói quen nhiều người dùng chỉ mặc đồ thời gian ngắn rồi thải bỏ khiến thời trang trở thành ngành đứng thứ 2 gây ô nhiễm môi trường toàn cầu.

Trước thực trạng này, thời trang bền vững, thời trang xanh, thời trang tuần hoàn ra đời. Cú chuyển mình "xanh hóa" trong ngành dệt may đang trở thành hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng ngành dệt may tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Tại Việt Nam, Công ty cổ phần Kết nối Thời trang (Faslink JSC) được biết đến là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này. Thành lập từ năm 2008, Faslink được hợp nhất từ Công ty cổ phần May mặc Xuân Phương Nam và Công ty Vải sợi May mặc An Thuận Phát.

Cơ duyên đến với sản phẩm thời trang bền vững

Trong một lần tham dự hội chợ toàn cầu về trưng bày nguyên liệu ngành may mặc, vị Tổng giám đốc Fastlink - bà Trần Hoàng Phú Xuân cảm thấy khá bất ngờ khi khoảng năm 2010, nhiều nước ở châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đều quan tâm đến khái niệm thời trang bền vững. Nhưng khi đó, ở Việt Nam, khái niệm này còn quá mới mẻ.

Thời trang bền vững bao gồm các sản phẩm được sản xuất “thân thiện môi trường”, hữu cơ và tái chế được. Loại hình này đắt đỏ hơn bởi được chú trọng ngay từ khâu chọn nguyên liệu, khâu xử lý nước thải, vận hành nhà máy giảm thiểu khí thải carbon, đồng thời chú trọng công nghệ sợi giúp giảm 70 - 80% lượng nước sử dụng.

Sợi vải Faslink được làm từ vỏ hàu
Sợi vải Faslink được làm từ vỏ hàu

Từ những nguyên liệu lạ lẫm nhưng vô cùng quen thuộc như sợi tre, sợi bã cà phê, sợi sen... qua cách xử lý thông minh, nhiều sản phẩm vừa thời trang vừa bảo vệ sức khỏe đã ra đời. 

Sợi tre (bamboo) là nguyên liệu sợi đầu tiên mà Faslink sử dụng để chế tạo áo sơ mi. Tuy nhiên, để ghi dấu với việc bán được hàng chục triệu sản phẩm như hôm nay, Faslink đã từng phải đi tới rất nhiều nhà máy dệt để thuyết phục. Sau gần 10 lần gặp gỡ nhiều đối tác, Faslink mới tìm được người đồng cảm và dám đi tiên phong với mình.

Sợi vải được làm từ lá bạc hà
Sợi vải được làm từ lá bạc hà

Từ bàn đạp là nguyên liệu sợi tre, Faslink không ngừng theo đuổi con đường nguyên liệu bền vững, đồng thời tận dụng những công nghệ mới mang đến tính năng mới cho vải. Có thể kể tên một số loại như vải khô nhanh làm từ bã cà phê; hay vải chống từ trường được chế tạo từ vỏ hàu; vải sen giúp tăng cường ion âm và collagen; vải tái chế từ chai nhựa hay lưới đánh cá, vải nano mang đến những sản phẩm mặc nhẹ, không nhăn, chống tia UVA, UVB...

"Hành trình tạo nên những sợi vải xanh từ bã cà phê, lá và thân sen, vỏ hàu, than vỏ dừa, lá bạc hà… của Faslink không chỉ bắt nguồn từ ý tưởng và xu hướng trong kinh doanh mà gắn liền với sự đam mê, khát vọng mạnh mẽ phát huy giá trị của nguyên liệu được xem là bình thường, ít giá trị trong tự nhiên. Những sợi vải xanh đã tạo nên những bước đi mới, thúc đẩy sự phát triển sáng tạo trong ngành công nghiệp dệt may và thời trang", Tổng giám đốc Fastlink - bà Trần Hoàng Phú Xuân chia sẻ. 

Thành tựu đi kèm với thách thức

Dù đã tạo được nhiều dấu mốc nhưng Faslink luôn bị ám ảnh bởi cụm từ "đi đầu". Nỗi ám ảnh này là đòn bẩy giúp công ty sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới, đi đúng xu hướng dệt may xanh.

Không những thế, việc đầu tư để doanh nghiệp "xanh hóa" sản phẩm là cả một quá trình dài, tốn kém chi phí và không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư.

Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô dồi dào
Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô dồi dào

Với nhiều doanh nghiệp nói chung và Faslink nói riêng, bài toán khó hiện nay là làm thời trang bền vững không còn là xu hướng để các đơn vị lựa chọn. Thay vào đó là doanh nghiệp buộc phải thích ứng với nhu cầu "xanh hóa ngành may mặc". Do đó, doanh nghiệp Việt cần có những bước đi, những thay đổi để theo kịp dòng chảy này. 

Từ việc chuyên gia công, ngày nay, nhiều doanh nghiệp Việt đã thức thời chuyển đổi sang lĩnh vực mua nguyên liệu bán thành phẩm, đồng thời tự chủ từ khâu thiết kế, sản xuất, bán hàng.

Sản phẩm may mặc của Việt Nam được làm từ sợi tự nhiên.
Sản phẩm may mặc của Việt Nam được làm từ sợi tự nhiên.

Bà Phú Xuân cho rằng, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng, cơ hội để nâng tầm ngành dệt may chứ không chỉ dừng lại trở thành "công xưởng gia công" của thế giới. Nhưng để có được thành công đó, các đơn vị dệt may lớn cần cởi mở, chấp nhận rủi ro, thử chuyển mình để tối ưu tiềm lực sản xuất. 

Ở góc độ người tiêu dùng, đã có nhiều khách hàng quan tâm đến tính năng sản phẩm khi mua hàng thay vì chỉ nhìn màu, sờ chất vải hay giá thành như trước.

Các tính năng như khử mùi, bền màu, nhanh khô... sẽ là xu hướng đã được áp dụng ở ngành dệt may tại các nước phát triển. Không nằm ngoài guồng quay đó, dệt may Việt Nam cũng dần "xoay chuyển", vận động và tìm chỗ đứng riêng cho mình trong bức tranh dệt may thế giới.

Tin Cùng Chuyên Mục