Ngày pháp luật

BSC dự báo doanh nghiệp dệt may gặp khó năm 2023 khi hàng tồn kho cao

Linh Bùi

Các doanh nghiệp ngành dệt may có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong ký kết đơn hàng trong bối cảnh suy thoái kinh tế, và tiếp tục xử lý hàng tồn kho.

Trong báo cáo về triển vọng ngành dệt may năm 2023, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) nhận định, các doanh nghiệp ngành dệt may có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong ký kết đơn hàng trong bối cảnh suy thoái kinh tế, tiếp tục xử lý hàng tồn kho.

Ở mảng may truyền thống, BSC cho rằng thị trường Mỹ với mức hàng tồn kho đang cao và rủi ro suy thoái tiếp tục giảm giá trị đơn hàng ký mới trong năm 2023. Thị trường EU với nền kinh tế dự kiến gặp nhiều khó khăn hơn Mỹ cũng sẽ gặp áp lực cắt giảm đơn hàng mới.

Với mảng sợi, BSC cho rằng năm 2023, giá sợi tiếp tục giao dịch quanh mức nền thấp khi nhu cầu may truyền thống suy giảm do hàng tồn kho cao và nhu cầu mua sắm giảm sút khi kinh tế thế giới suy thoái.

BSC dự báo doanh nghiệp dệt may gặp khó năm 2023 khi hàng tồn kho cao - Ảnh 1

Trước đó năm 2022, xuất khẩu dệt may đạt 37,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2021, trong đó Mỹ vẫn đang là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch 17,3 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2021 và chiếm 46,2% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

BSC đánh giá tốc độ tăng trưởng cả năm của ngành dệt may khá khả quan, nhưng trong quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ngành này chỉ đạt 8,5 tỷ USD, giảm 18% so với quý trước và giảm 5% so với quý IV/2021.

Mức suy giảm phản ánh sức ép lạm phát lớn và sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng đặc biệt tại thị trường Mỹ.

Trong năm 2022, xuất khẩu xơ, sợi dệt của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, tương đương 4,7 tỷ USD, giảm 18,5% về lượng và giảm 16% về giá trị so với năm 2021.

Nguyên nhân của sự suy giảm này đến từ việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong đó giá bông tăng 50%, giá xơ tăng 10,5%; đồng thời giá xơ, sợi dệt xuất khẩu trong tháng 12/2022 giảm tới 43% so với cùng kỳ, đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp ghi nhận giảm ở đơn giá xuất khẩu mặt hàng này.

Trong bối cảnh đơn hàng và giá xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi đều giảm, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, kết quả kinh doanh quý IV/2022 của 12 doanh nghiệp lớn trong ngành đều lao dốc.

BSC thống kê tổng doanh thu quý IV/2022 của 12 doanh nghiệp đạt 12.910 tỷ đồng, cùng giảm 9% so với quý trước và cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 365 tỷ đồng, giảm 58% so với quý trước và giảm 68% so với quý IV/2021.

Tin Cùng Chuyên Mục