Ngày pháp luật

Câu chuyện kinh doanh: Cô gái 28 tuổi trở thành CEO startup triệu USD khởi nguồn từ cảm giác thèm ăn và 700 USD

Bùi Linh

Aruna hiện là công ty huy động được nhiều vốn nhất ở vòng Series A trong các startup ở Indonesia, nhưng ai biết rằng số tiền khởi nghiệp chỉ là 700 USD nhận được khi tham gia một cuộc thi.

Khi còn nhỏ, Utari Octavianty thường cảm thấy mình là đứa trẻ kém cỏi khi cô sinh ra tại một làng chài hẻo lánh ở miền Đông Kalimantan, Indonesia. Ở đây, nhiều người không được học hành đến nơi đến chốn. Dù vậy, Utari tự cho mình là người may mắn khi được bố mẹ cho vào học tại một trường trung học cơ sở trong thành phố.

Nhưng sau đó, cô nhanh chóng nhận ra khoảng cách giữa cô và các bạn cùng trường. "Tôi bị bắt nạt vì đến từ một ngôi làng ven biển. Tôi không giống như nhiều người khác đã được học hành tử tế và gia đình luôn gặp khó khăn về kinh tế", cô chia sẻ. 

Nhưng những khó khăn này như ngọn lửa thắp lên trong Octavianty và khơi dậy mục tiêu thoát đói nghèo của cuộc đời của Utari. Cô tự nhủ với chính mình, một ngày nào đó, ngôi làng của cô sẽ được biết đến không phải vì nghèo đói mà vì tiềm năng của nó.

Câu chuyện kinh doanh: Cô gái 28 tuổi trở thành CEO startup triệu USD khởi nguồn từ cảm giác thèm ăn và 700 USD - Ảnh 1

Hiện mục tiêu này không còn trên giấy mà đã trở thành hiện thực. Bây giờ, ở tuổi 28, Octavianty là người đồng sáng lập Aruna - một công ty khởi nghiệp thương mại điện tử về hải sản của Indonesia.

Startup này hoạt động như một công ty tổng hợp chuỗi cung ứng đầu cuối, cho phép ngư dân tham gia vào mạng lưới toàn cầu. 

Cho đến nay, công ty đã huy động được 65 triệu USD đầu tư trong vòng huy động Series A. Với số tiền này, Aruna hiện là công ty huy động được nhiều vốn nhất ở vòng Series A trong các công ty khởi nghiệp ở Indonesia. 

Hành trình kinh doanh khởi nguồn từ cảm giác thèm ăn

Cuộc hành trình kinh doanh của cô bắt đầu vào năm 2015, khởi nguồn từ cảm giác thèm ăn hải sản mà Octavianty từng có khi cô là sinh viên năm cuối đại học công nghệ ở thành phố Bandung.

“Không dễ để tìm được một quán hải sản ngon. Tôi tự nghĩ, sẽ tuyệt biết bao nếu chúng tôi có thể mua hải sản trực tiếp từ ngư dân ở các làng ven biển" - ý tưởng này đã được cô đã chia sẻ với các bạn cùng lớp, Farid Naufal Aslam và Indraka Fadhlillah.

Họ đã cùng nhau tạo ra trang web nhằm đáp ứng nhu cầu hải sản của người tiêu dùng và kết nối họ với ngư dân. Khi đó, cô gái 21 tuổi quyết định tham gia một cuộc thi có tên “Hackathon Merdeka” để huy động vốn.

Utari Octavianty và 2 đồng sáng lập Farid Naufal Aslam (phải), Indraka Fadhlillah (trái). Ảnh: Utari Octavianty
Utari Octavianty và 2 đồng sáng lập Farid Naufal Aslam (phải), Indraka Fadhlillah (trái). Ảnh: Utari Octavianty

Trước sự ngạc nhiên của bản thân, ba thanh niên trẻ đã chiến thắng. Nhưng điều ngạc nhiên lớn hơn là số tiền lãi mà Aruna thu được sau khi trang web ra mắt.

“Chúng tôi nhận được yêu cầu 1.000 tấn hải sản từ các nhà hàng và công ty nhập khẩu bên ngoài Indonesia - những người cần được cung cấp hải sản liên tục".

Bộ ba nhanh chóng bắt tay vào việc, sử dụng hai chiếc máy tính giải thưởng vừa giành được trong cuộc thi trước đó để tiếp tục xây dựng, thiết kế trang web. Nguồn vốn đáng kể đầu tiên của họ đến từ một cuộc thi khác với giải thưởng tiền mặt khoảng 700 USD.

Mặc dù đó là một số tiền rất nhỏ nhưng Octavianty và những người bạn đồng sáng lập đã tận dụng để thực hiện chương trình thử nghiệm tại thành phố cảng biển Balikpapan, Đông Kalimantan. Họ ở lại với một cộng đồng ngư dân đánh bắt cá trong một tháng.

Kết thúc chương trình, họ có giao dịch đầu tiên với một nhà hàng địa phương ở Bandung. Đó là khoảnh khắc họ nhận ra ý tưởng của mình không còn chỉ ở trên giấy. “Chúng tôi thực sự có thể biến điều này thành hiện thực”, Octavianty vui mừng nói.

Tìm đúng nhà đầu tư

Trong những năm qua, Aruna đã nhân rộng mô hình ra nhiều làng chài hơn ở Indonesia. Khi nhu cầu về hải sản tăng lên, công ty cũng phát triển hơn. Dù vậy, một thách thức mà Octavianty phải đối mặt đó là tìm đúng nhà đầu tư.

Startup Aruna đã xuất khẩu 44 triệu kg hải sản vào 7 quốc gia, hầu hết là sang Mỹ và Trung Quốc.
Startup Aruna đã xuất khẩu 44 triệu kg hải sản vào 7 quốc gia, hầu hết là sang Mỹ và Trung Quốc.

“Có rất nhiều nhà đầu tư ở Indonesia, nhưng để tìm được nhà đầu tư hiểu doanh nghiệp của chúng tôi không phải là điều dễ dàng. Một số nhà đầu tư sẽ quan tâm khi nhìn thấy tiềm năng mở rộng quy mô của doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi cần chọn lọc", Octavianty cho biết.

"Aruna mong chờ nhà đầu tư rót vốn không phải vì tiềm năng của công ty mà còn vì những ảnh hưởng của nó", cô nói thêm.

Năm ngoái, startup Aruna đã xuất khẩu 44 triệu kg hải sản vào 7 quốc gia, hầu hết là sang Mỹ và Trung Quốc. Nhưng Octavianty cho biết, thành tựu lớn nhất chính là giúp ngư dân tiếp cận trực tiếp với thị trường, từ đó mang lại cho họ mức thu nhập công bằng và tốt hơn.

Công ty đã giúp ngư dân tăng thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trước khi họ tham gia Aruna. Mặc dù Aruna rất khắt khe trong việc lựa chọn nhà đầu tư tuy nhiên chính cách tiếp cận này đã khiến công ty trở nên hấp dẫn hơn.

Tin tưởng vào tương lai bền vững

Tháng 1 vừa qua, Aruna đã công bố khoản đầu tư tiếp theo của vòng Series A với giá trị 30 triệu USD do quỹ Vertex Ventures Đông Nam Á và Ấn Độ dẫn đầu. Với nguồn vốn mới, Octavianty tìm cách mở rộng sang nhiều làng chài hơn nữa ở Indonesia và đầu tư vào các hoạt động đánh bắt bền vững.  

Cho đến nay, đã có hơn 26.000 ngư dân trên 150 cộng đồng ngư dân ở Indonesia đã tham gia vào mạng lưới của Aruna. Startup cũng cung cấp hơn 5.000 việc làm ở nông thôn và tuyển dụng 1.000 phụ nữ ở ven biển để chế biến hải sản.

Aruna luôn yêu cầu tất cả các ngư dân của họ tập trung vào chất lượng, thay vì số lượng, sản lượng đánh bắt, và hạn chế đánh bắt trong các khu bảo tồn biển. Đồng thời, startup này cũng khuyến cáo ngư dân không sử dụng ngư cụ, chẳng hạn như lưới kéo và bom, bởi sẽ gây hại cho môi trường sống tự nhiên dưới đáy biển.

Tin Cùng Chuyên Mục