Cuộc họp do ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì. Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo là ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Trung tâm hỗ trợ tư vấn đào tạo và phát triển nhân lực cộng đồng, Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Việt Hương, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, quá trình triển khai Nghị định số 49/2018/NĐ-CP đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc về: điều kiện người phụ trách kiểm định và kiểm định viên của tổ chức kiểm định; nội dung nộp báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; nội dung trách nhiệm cung cấp thông tin của kiểm định viên; nội dung kinh phí cho hoạt động đánh giá, cấp thẻ kiểm định viên.
Vì vậy, để phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, dự thảo Nghị định được chỉnh lý theo theo hướng cắt giảm, đơn giản hoá một số thủ tục hành chính, bổ sung một số nội dung quy định trách nhiệm của kiểm định viên, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung của dự thảo như: cần quy định rõ các nội dung liên quan đến tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp của kiểm định viên giáo dục nghề nghiệp; xác định kinh phí tổ chức đánh giá cấp thẻ kiểm định viên là do ngân sách nhà nước chi trả hay do tổ chức, cá nhân tham gia đánh giá chi trả; khả năng triển khai huy động đóng góp tổ chức, cá nhân người tham gia đánh giá cấp thẻ kiểm định viên để tổ chức hoạt động đánh giá trên thực tế; xem xét lại khái niệm “người trực tiếp phụ trách”; loại bỏ một số nội dung không liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính tại Quyết định số 2230/QĐ-TTg.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu và ý kiến tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, thay mặt Hội đồng thẩm định, ông Cao Đăng Vinh kết luận cuộc họp. Các ý kiến của đại biểu tham dự sẽ được Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.