Tập 4 Shark Tank Việt Nam mùa 6 có sự xuất hiện của L’arlesienne với đại diện là 2 du học sinh đang học cấp 3 tại Mỹ là Nhà sáng lập Đinh Phúc Khang (18 tuổi) và Giám đốc mỹ thuật 16 tuổi - Nguyễn Ngọc Khánh Linh.
L’arlesienne là doanh nghiệp thời trang chuyên cung cấp những chiếc túi da thật có thiết kế độc đáo. Với bộ sưu tập đầu tiên, L’arlesienne đã bán được 95% sản phẩm sau 6 tháng mở bán, thu về hơn 500 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận đạt 28%.
L’arlesienne hiện bán hàng qua website, Facebook, Instagram của thương hiệu. Bên cạnh đó là bán trực tiếp thông qua cửa hàng của chị gái Phúc Khang.
L’arlesienne chính thức đăng ký vào tháng 12/2022 và người đại diện pháp luật là mẹ của Phúc Khang. “Con cam kết với các Shark là các Shark đang đầu tư vào tụi con chứ không phải mẹ con”, nhà khởi nghiệp trẻ tuổi khẳng định.
Theo chia sẻ, L’arlesienne sẽ được Phúc Khang và Khánh Linh tiếp tục điều hành sau khi đi học tại Mỹ với lịch trình: Từ đầu năm cho đến tháng 6 tập trung vào việc thiết kế. Đến thời điểm nghỉ hè vào tháng 6 là lúc sản xuất mẫu, sau đó khảo sát thị trường và mở bán vào dịp cuối năm.
Hiện tại công ty đã nghiên cứu mẫu mới xong. Tổng chi phí dự tính để có thể bắt đầu sản xuất bộ sự tập này sẽ rơi vào tầm 1 tỷ đồng. Bộ sưu tập này sẽ có 400 sản phẩm, doanh thu dự kiến đạt 2,4 tỷ đồng.
Mức giá bán lẻ 6 triệu đồng/chiếc khiến Shark Bình thắc mắc: “Có đối tượng nào sẵn sàng trả 6 triệu để mua cái túi”?Phúc Khang chia sẻ hầu như khách hàng của bộ sưu tập đầu tiên có thu nhập ổn định từ 20 triệu đồng trở lên. Những khách hàng này thường không muốn phải tiêu quá nhiều tiền vào một chiếc túi hàng hiệu nhưng vẫn muốn sở hữu một thiết kế độc đáo, chất lượng.
L’arlesienne có tiêu chuẩn về sản xuất và chất lượng. Lợi thế của thương hiệu này là hợp tác với xưởng sản xuất của người Ý đã có kinh nghiệm hoạt động hơn 20 năm trong ngành túi da.
Shark Tuệ Lâm cho rằng người có thu nhập cao ở Việt Nam mới sẵn sàng chi trả cho những chiếc túi có giá từ 5 triệu trở lên. Cô khuyên hai nhà sáng lập trẻ tuổi nên tìm đến những thị trường có thu nhập cao hơn và có khẩu vị tiêu dùng phù hợp hơn với sản phẩm. Shark Tuệ Lâm không đầu tư vào thương vụ này.
Shark Hùng Anh và Shark Bình cũng không đầu tư vì đánh giá việc quan trọng nhất lúc này với hai nhà sáng lập trẻ là tập trung vào học. Shark Louis cũng từ chối đầu tư vào một công ty sản xuất không có ai điều hành vì nhà sáng lập còn đi học.
Chỉ còn Shark Hưng ủng hộ Phúc Khang và Khánh Linh. “Tôi đang có vài chục doanh nghiệp mà tôi vẫn đi học bình thường mà, nếu chúng ta biết cách sắp xếp”, ông bày tỏ quan điểm.
Mong muốn truyền kiến thức về quản trị kinh doanh đến hai nhà sáng lập, Shark Hưng đề nghị đầu tư 300 triệu đồng đổi lấy 34% cổ phần của L’arlesienne.
Shark Hưng cho biết ông có thể tìm kiếm thêm nhà đầu tư cùng lĩnh vực với L’arlesienne mà đã có sẵn hệ thống phân phối, có cùng phân khúc và cùng tệp khách hàng.
Tuy nhiên, mục tiêu đầu tiên là hai nhà sáng lập phải đảm bảo việc học. Sau khi cân nhắc, Phúc Khang đàm phán với Shark Hưng mức đầu tư 300 triệu đổi lấy 25% cổ phần.
Shark Hưng tiếp tục đưa ra con số 30% cổ phần cho 300 triệu đồng đầu tư L’arlesienne đồng ý, khép lại một thương vụ gọi vốn thành công của một startup trẻ tại Shark Tank Việt Nam.