Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam bị “đóng băng” trong nửa năm, hàng trăm ngàn người mất việc, thất nghiệp, đã đẩy mạnh hơn những chiêu trò để "bẫy" những nhà đầu tư bất động sản thiếu kinh nghiệm trên thị trường.
Một trong những chiêu trò dễ thấy nhất là tình trạng dồn dập thông tin "cắt lỗ" căn hộ… vì dịch Covid-19, "cần tiền bán gấp", "bán cắt lỗ sâu", "bán giá thấp chưa từng có"… Hầu hết các tin đăng bán bất động sản này đều có một đặc điểm chung là đều có giá bán rất rẻ, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá thời điểm trước đó. Cá biệt có căn nhà phố còn đăng bán "cắt lỗ" đến hơn 1 tỷ đồng.
Theo các lời rao, nguyên nhân chính của việc "bán tháo", "bán lỗ" như vậy ít nhiều đều dính dáng đến đại dịch Covid-19. Từ làm ăn thua lỗ, cạn tiền để duy trì kinh doanh mùa dịch... Những lý do thời điểm này tưởng chừng như không thể nào hợp lý hơn.
Tuy vậy, thực tế khi khảo sát một số bất động sản rao bán như vậy, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản nhận thấy, phần nhiều những căn nhà đăng bán giá rẻ trên đều đang vướng phải vấn đề pháp lý như: Chưa hoàn thiện sổ đỏ, nhà đất đang thuộc diện tranh chấp hoặc nằm trong khu vực có kế hoạch giải tỏa..., chứ ít có bất động sản nào "bán lỗ" vì lý do dịch bệnh như quảng cáo.
Cá biệt, có chủ căn nhà cấp 4 diện tích 60 m2, mới xây ở khu vực Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) có giá 1,9 tỷ đồng, cũng đang rao bán mùa dịch kèm theo thông tin "nhà đẹp miễn chê, pháp lý đầy đủ". Nhưng khi liên hệ hỏi kỹ thông tin thì chủ nhà cho biết: "Nhà chưa có sổ nhưng yên tâm vì trước sau gì cũng có. Cả ngõ đều vậy".
Bên cạnh hình thức rao bán cắt lỗ, tình trạng rao bán đất ngân hàng thanh lý cũng là chiêu thức mà các môi giới sử dụng từ lâu, nhưng thời gian qua vẫn không ít người “mắc bẫy”. Trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… liên tục xuất hiện những bài quảng cáo bán đất do ngân hàng phát mãi với những lời giới thiệu hấp dẫn như “Ngân hàng thanh lý lô đất ở khu vực… với giá cực rẻ. Anh chị liên hệ ngay qua số điện thoại… để nhanh tay chớp lấy cơ hội”.
Phóng viên đã thử liên lạc với số điện thoại trên website quảng cáo và ngay lập tức nhận được phản hồi: "Anh hãy sắp xếp đến dự án để bên em tư vấn cụ thể". Nhân viên này nói là dự án rất gần, nhưng sau đó, người viết được dẫn đến một dự án tại huyện Quốc Oai, Hà Nội và tìm hiểu thì biết, đây là dự án đất nền phân lô trái phép, được rao bán tràn lan trên mạng xã hội và cả một số website rao vặt trước đó. Những lô đất này hoàn toàn không thể cấp sổ đỏ, nhưng các môi giới đều khẳng định, được phép chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở.
Không chỉ lừa đảo bằng hình thức thông tin "ảo" để sập bẫy nhà đầu tư vào các dự án không đủ điều kiện, sau dịch Covid-19, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, hoạt động đa cấp bất động sản cũng len lỏi trở lại sau một thời gian im ắng.
Quảng bá như mô hình hệ sinh thái bất động sản ứng dụng nền tảng 4.0 tiên tiến, nhưng một vài mô hình bị phản ánh lại thực hiện huy động vốn trên quy mô lớn thông qua một đơn vị tiền ảo trái quy định pháp luật và cho phép khách hàng giao dịch nội bộ.
Chưa kể, một số mô hình còn thực hiện chi thưởng hoa hồng rất lớn cho người giới thiệu nhà đầu tư mới không khác gì mô hình đa cấp vẫn tồn tại trước kia như Alibaba.
Trong báo cáo mới nhất tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 2/7, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đã cho biết, có dấu hiệu tội phạm lừa đảo tăng đột biến sau dịch Covid-19, đặc biệt liên quan đến các loại hình như tài chính, ngân hàng, bất động sản, lao động việc làm… Nguyên nhân tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng đột biết thời gian qua theo Bộ trưởng Tô Lâm, một phần do tình trạng không có việc làm, đời sống khó khăn đã làm nảy sinh tội phạm.
Ở góc độ khác, các dự án bất động sản tiến độ tốt, pháp lý rõ ràng ở cả Hà Nội và TP HCM đều có xu hướng tăng giá, ngay trong giai đoạn dịch bệnh càng là những cảnh báo để người tiêu dùng thận trọng với những sản phẩm giá rẻ bất ngờ. Câu nói “miếng phomat miễn phí chỉ có trong bẫy chuột” vẫn đúng, nhất là trong bối cảnh khó khăn.