Ngày pháp luật

Cảnh báo sốt đất cục bộ tại nhiều địa phương trên cả nước

Theo Phương Uyên/Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Nỗi lo về một cơn sốt đất lại tái diễn trong thời điểm cuối quý I/2019 khi hiện tượng giá đất tăng cục bộ đang diễn ra rầm rộ tại một số địa phương.

Đà Nẵng - nóng với giao dịch đất nền Hòa Vang

Những ngày qua, TP. Đà Nẵng đã có công văn cảnh báo về cơn sốt đất nền cục bộ đang diễn ra trên địa bàn huyện Hòa Vang. Các nhà đầu tư nô nức đổ xô về khu vực xã Hoà Liên, Hòa Tiến, Hòa Châu mua bán. Không những các dự án KDC đang triển khai tại đây mà cả loại hình đất thổ cư, đất ruộng của người dân bỗng chốc trở thành hàng "hot" với giá bán tăng cao bất thường.

Tìm hiểu tình hình giao dịch tại khu vực xã Hòa Tiến, ngay thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 trên địa bàn các thôn Nam Sơn, Lệ Sơn xuất hiện hàng loạt sàn giao dịch lưu động căng bạt, dựng bàn phục vụ vô số khách hàng có nhu cầu mua đất đến giao dịch. Giá đất Hòa Tiến tại thời điểm tháng 11/2018 chỉ mới ở mức 1,5-3 triệu/m2 đột nhiên tăng lên 8-10 triệu/m2 vẫn được dân đầu tư tranh nhau đặt chỗ.

Không chỉ xã Hòa Tiến, đất thổ cư khu vực xã Hòa Châu cũng tăng gấp 2, gấp 3 lần so với trước Tết nguyên đán. Khu vực đường Trần Tử Bình, Phan Văn Đáng, Kha Vạn Cân, Trịnh Quang Xuân… nhiều dự án rao bán giá từ 26-35 triệu/m2, tăng từ 20-40% so với giá bán cuối năm 2018. Hiện tượng sốt đất nhất thời cũng gây ra tình trạng, người dân địa phương vì lợi nhuận trước mắt, chấp nhận phá vườn, lấp ao, hồ để phân lô rao bán.

Anh Nguyễn Văn Tiến, một nhà đầu tư tại Đà Nẵng cho biết, 2 ngày gần đây, khu vực dự án KDC Hòa Liên, xã Hòa Liên có hàng chục sàn giao dịch di động mọc lên, phục vụ nhu cầu mua bán đất tại tại dự án khu tái định cư Hòa Liên. Dù giá các lô đất tăng thêm từ 200-400 triệu/nền nhưng giao dịch luôn trong tình trạng quá tải với cả chục người chen lấn nhau giành đặt cọc. Bản thân tuy khá mập mờ về nguyên nhân giá đất tăng mạnh, nhưng anh Tiến vẫn tranh thủ đặt mua trước 2 lô đất vì sợ mất suất đầu tư sinh lời.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhu cầu mua hiện tại phần lớn là từ nhà đầu tư mua đi bán lại kiếm lời, nhiều khách hàng chấp nhận thế chấp tài sản, vay mượn để đầu tư đất.

Bất chấp việc chính quyền TP. Đà Nẵng đã ra tay chấn chỉnh, giá đất tại Hòa Vang chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhiều môi giới cho biết dân đầu tư vẫn gom hàng, âm thầm quan sát và đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường đất nền nên khó có chuyện quay lưng hoàn toàn.

Cảnh báo sốt đất cục bộ tại nhiều địa phương trên cả nước - Ảnh 1

 

Cần Thơ sốt đất tại loạt dự án khu dân cư cũ

Tình trạng nóng sốt cục bộ cũng được ghi nhận trên địa bàn TP. Cần Thơ những ngày đầu năm, cũng bằng các chiêu trò thổi giá, tung thông tin phát triển hạ tầng, tranh thủ tâm lý thích mua đất nền để dành. Nhiều dự án đất nền, đất thổ cư tăng giá từ 30-50% chỉ trong 1 tháng.

Tìm hiểu giao dịch tại khu đô thị Nam Cần Thơ, dự án đang có hoạt động mua đi bán lại thứ cấp vô cùng sôi động, nhiều lô đất từng rao bán giá 20-22 triệu/m2 thời điểm đầu năm hiện được sang tay với giá lên đến 30 triệu/m2. Tình trạng mua nhanh bán vội xuất hiện phổ biến với mức chênh mỗi lần giao dịch có thể từ 50-100 triệu/nền.

Không chỉ KĐT Nam Cần Thơ, loạt dự án khu dân cư, khu tái định cư triển khai trước đó khá lâu cũng đủng đỉnh tăng giá bán khi nhận thấy nhu cầu mua tốt lên. Cụ thể, tại dự án Trung tâm văn hóa Tây Đô, dự án khu dân cư Hồng Phát, dự án khu dân cư Hưng Phú 1... giá đất được giao dịch ở mức từ 27-43 triệu/m2 tùy vị trí, tăng 100-150% so với cùng kỳ 2018.

Các dự án tọa lạc tại khu vực xa hơn như KDC Hồng Loan, KDC Phú An huyện Cái Răng, đất nền sổ đỏ tăng lên mức 25-33 triệu/m2 thay vì mức bán 18-22 triệu/m2 trước đó không lâu. Dự án khu nhà ở Nam Long, KDC Thiên Lộc giá từ 22-27 triệu/m2 thay mức 15-20 triệu/m2.

Theo chia sẻ của nhiều môi giới nhà đất tại đây, nguyên nhân loạt dự án đất nền Cần Thơ tăng giá được cho là do, thời gian qua Cần Thơ không có dự án mới triển khai, thị trường phải dựa vào các dự án cũ vốn đã cạn hàng để giao dịch khiến nguồn cung khan hiếm. Ngoài ra, tâm lý của đại đa số người dân vẫn muốn sở hữu đất nền, mua đất trước để dành tích trữ.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế, chính quyền đã ra quyết định các dự án triển khai sau tháng 8/2018 sẽ buộc phải xây nhà xong mới bán. Chính vì vậy, những dự án có đất nền phân lô đã tồn tại trước thời điểm tháng 8/2018 được khách hàng tìm mua nhiều, có những lợi thế riêng khi giao dịch nên rất hút khách, giá cũng tăng theo. Còn trong năm 2019, Cần Thơ đã phê duyệt khá nhiều dự án KDC mới quy mô lớn, nên việc khan hàng, cạn quỹ đất là không có cơ sở.

Tp.HCM nóng với Cần Giờ và quận 9

Tp.HCM là khu đô thị đất chật người đông, đất nền luôn là sản phẩm hiếm được ưa chuộng. Hiện tượng sóng ngầm đất nền cũng đang rục rịch trở lại đây sau thời gian tạm yên bình. Ngay khi thông tin duyệt xây cầu tại Cần Giờ, đất tại đây nhanh chóng nóng trở lại. Nhà đầu tư rồng rắn kéo đuôi nhau trở lại với Cần Giờ sau một thời gian dài bỏ bê.

Điểm nóng hút sự quan tâm của giới buôn địa ốc tập trung vào 2 xã Bình Khánh và Cần Thạnh, giá đất tại hai địa bàn này cũng đang tăng từ 10-15% chỉ trong 2 tuần trở lại đây nhờ những cuộc săn đất quy mô của giới đại gia và những giao dịch sang tay chênh lệch.

Quận 9, tâm điểm đất nền khu Đông cũng đang ghi nhận sức nóng gia tăng sau một thời gian tạm lắng nhờ sự xuất hiện của đại dự án Vincity. Giá đất nhích lên từng ngày, nhà đầu tư ùn ùn đổ về giao dịch. Trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Liên Phường đang mở rộng có giá khoảng 80-120 triệu/m2, khu vực đối diện với Vincity hiện đang được chào bán với giá từ 80-100 triệu/m2. Đường Nguyễn Văn Tăng đoạn gần BV Ung bướu Tp.HCM giá ở ngưỡng 100-120 triệu/m2.

Hiện tượng tăng giá cục bộ này được dự báo nếu không kịp thời có những chính sách điều chỉnh, rất dễ xảy ra tình trạng tái diễn 2 cơn sốt đất nền từng xuất hiện trong năm 2017-2018, không có lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

Tin Cùng Chuyên Mục