Cần luật hóa ưu đãi để thúc đẩy kinh tế tư nhân trong lĩnh vực bất động sản

Gia Hồng

Để Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị nhanh chóng đi vào cuộc sống, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực bất động sản nói riêng có cơ hội phát triển, cần giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế và bảo đảm rõ ràng các quyền lợi cho khu vực kinh tế tư nhân.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chính sách sáng rõ, “chi phí ngầm” sẽ giảm

Theo TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hiện nay, các bộ luật như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đường sắt… đã, đang được sửa đổi, bổ sung nhằm giải quyết đồng bộ các bất cập còn tồn tại. Tuy nhiên, để các luật sau khi sửa đổi đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả thì rất cần các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết, dễ dàng áp dụng giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận đơn giản, tối ưu hóa về mặt thời gian, thủ tục.

Hiện, Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm 30% các thủ tục hành chính, tuy nhiên TS Khôi cho rằng, có những lĩnh vực phải cắt giảm nhiều hơn, trong đó có bất động sản. Bởi nếu vẫn có những thủ tục phải mất hơn 2 năm mới xong thì sẽ triệt tiêu hết cơ hội cũng như động lực bứt phá. Đồng thời nhấn mạnh, môi trường kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

“Chính vì vậy, phải tạo môi trường thuận lợi, có cơ chế cụ thể đối với từng lĩnh vực để thu hút và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững”, TS Nguyễn Văn Khôi nhận định.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Trần Văn Dĩnh - Chủ tịch Tập đoàn Trường An cho rằng: Tinh thần của Nghị quyết 68 là rất đúng đắn. Việc chính quyền địa phương 2 cấp đã đi vào hoạt động ngày 1/7/2025 khi vận hành ổn định sẽ giúp người dân, doanh nghiệp hưởng lợi cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp và cơ chế mở cửa cho doanh nghiệp, tạo niềm tin, sự uy tín và cam kết thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Dĩnh, Trung ương và địa phương cần đưa ra giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”, vướng mắc để Nghị quyết 68 đi vào thực tế như: Cần thiết lập cơ chế cho phép doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa) khi có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp với quy hoạch và đủ năng lực, được trực tiếp triển khai đầu tư không phải thông qua khâu trung gian. Ngoài ra, Nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục, minh bạch quy trình, nhằm giảm chi phí xã hội, bảo vệ tài sản hợp pháp và thúc đẩy môi trường cạnh tranh công bằng.

Thực tế hiện nay việc dành 10 - 30% quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực đất đai không làm triệt tiêu lợi nhuận mà còn giúp tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng năng lực cung ứng liên danh, liên kết trong nước. Đây là cách tạo “nội lực” giúp doanh nghiệp có sự hậu thuẫn trong quá trình phát triển. Chính sách này nếu được làm minh bạch, công bằng theo ông Dĩnh sẽ giảm được “chi phí ngầm”, rút ngắn thời gian đầu tư, từ đó còn tăng niềm tin giữa chính quyền và doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Cần luật hóa ưu đãi để thúc đẩy kinh tế tư nhân trong lĩnh vực bất động sản - Ảnh 1

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Trường An cho hay, doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị tâm thế bước vào sân chơi lớn và rộng mở này, trong đó có cân nhắc đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm tại khu vực miền Bắc. “Chúng tôi đã kiến nghị với tỉnh (Ninh Bình - sau sáp nhập) xây dựng khu đô thị tại Quất Lâm (Nam Định cũ) với tổng mức đầu tư trên 50 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn tỉnh sẽ bố trí quy hoạch, đất đai, hỗ trợ một phần vốn đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đủ, đúng quy định pháp luật trước kỷ nguyên mới, diện mạo mới cho tỉnh nhà”, Chủ tịch Tập đoàn Trường An nói.

Không khuyến khích chung chung

Trao đổi với PLVN, TS Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam nhận định, không có đất thì mọi hỗ trợ khác đều là hình thức. Luật hóa Nghị quyết 68 chính là cách “cấp cứu” năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Đất đai không chỉ là một yếu tố sản xuất, mà là nền móng để huy động và kết nối tất cả nguồn lực khác. Việc cấp bách hiện nay là không để Nghị quyết này chỉ dừng lại ở văn bản định hướng, mà phải nhanh chóng được luật hóa thành hành lang pháp lý rõ ràng, công bằng, thực thi được - nếu chúng ta thực sự nghiêm túc với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân một cách bền vững.

Theo vị này, cần tiếp tục tập trung ba nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, cần luật hóa nghĩa vụ dành quỹ đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo mô hình đã áp dụng thành công với nhà ở xã hội. Cụ thể, mỗi địa phương nên dành tối thiểu 30% quỹ đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc này phải được luật hóa để bảo đảm tính bắt buộc, không mang tính khuyến khích chung chung. Giá thuê cần ưu đãi, minh bạch, đi kèm hạ tầng thiết yếu như điện, nước, viễn thông.

Thứ hai, tận dụng trụ sở công dư thừa - đây là nguồn tài sản công lớn đang bị bỏ phí. Những địa điểm này có thể cho doanh nghiệp thuê làm văn phòng, trung tâm điều hành, trung tâm khởi nghiệp… không cần ngân sách đầu tư nhưng tạo hiệu quả xã hội - kinh tế rõ rệt.

Thứ ba, thực tế tại nhiều địa phương như Bắc Ninh, Long An hay Đồng Nai cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng khó tiếp cận mặt bằng sản xuất ổn định do khan hiếm quỹ đất sạch, hạ tầng thiếu đồng bộ và thủ tục hành chính rườm rà. Nhiều doanh nghiệp dù đã có đất phù hợp quy hoạch và đủ điều kiện pháp lý, vẫn bị "chặn bước" bởi cơ chế xin - cho, chi phí không chính thức hoặc quy trình phê duyệt rối rắm. Không ít trường hợp phải mượn danh nhà đầu tư lớn để hợp thức hóa dự án, sau đó thuê lại chính mảnh đất của mình - một cách làm méo mó thị trường, đẩy chi phí lên cao và triệt tiêu động lực mở rộng sản xuất.

Tin Cùng Chuyên Mục