Các hành động đóng băng khoản nợ cả gốc lẫn lãi của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) cho các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ giúp giải phóng hơn 20 tỷ USD để các quốc gia này cải thiện hệ thống y tế, sẵn sàng đối phó với đại dịch Covid-19 hiện nay. Đây là nội dung mà Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Saudi - Mohammed al-Jadaan phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với các quan chức tài chính của nhóm G20.
Chủ trì các cuộc họp của G20 năm nay là Ả Rập Saudi. Trong suốt 2 giờ diễn ra buổi họp, các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương đã cùng tham gia đưa ý kiến, ủng hộ sáng kiến tạm hoãn thời hạn trả nợ với những quốc gia nghèo nhất nếu những nước này có đề xuất.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều bất đồng, đặc biệt, khi Mỹ, thành viên của nhóm G20 đã quyết định tạm dừng viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO sau khi chỉ trích cách ứng phó của tổ chức này đối với cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra, khiến 131.000 người trên thế giới tử vong.
Bất chấp những ý kiến trái chiều của chính phủ Mỹ với quyết định này, nhóm G20 đã đồng ý với kế hoạch bơm hơn 7.000 tỷ USD nhằm bảo vệ thị trường lao động, các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Đề xuất này được hỗ trợ bởi nhóm chủ nợ của Paris Club, với những nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz gọi đây là “một hành động đoàn kết quốc tế mang tính lịch sử, và nói thêm rằng sẽ cho phép các nước nghèo đầu tư vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay lập tức mà không mất thời gian kiểm tra từng trường hợp”.
Oxfam International cho biết cần làm nhiều hơn để bảo vệ Lebanon, Ecuador và các quốc gia khác không nằm trong thỏa thuận này và đề xuất tăng số tiền ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD để giúp các quốc gia này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra.
Các nhóm G20, G7, Ngân hàng Thế giới và IMF đã kêu gọi các chủ nơ quốc tế hủy bỏ, chứ không phải chỉ hoãn nợ đối với các khoản nợ trong năm 2020 của các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire chia sẻ: “các chủ nợ thuộc các tổ chức chính phủ hay các tổ chức cá nhân sẽ chi trả từ 12 đến 14 tỷ USD các khoản thanh toán dịch vụ nợ song phương của 76 quốc gia thuộc Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), cộng thêm Angola cho đến cuối năm nay”.
Các quốc gia nghèo trên thế giới đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 vì họ có hệ thống y tế yếu kém và dòng vốn lớn đổ ra ngoài kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Kristalina Georgieva hoan nghênh quyết định nhanh chóng của G20 trong việc tạm ngưng thanh toán các khoản nợ cho các quốc gia nghèo trên thế giới. Bà cho rằng, “việc hoãn thanh toán nợ trong thời điểm này là vì lợi ích của tất cả mọi người, khi toàn nhân loại, không kể các quốc gia phát triển hay đang phát triển, đều đang phải chống chọi với đại dịch toàn cầu”.
Các chủ nợ tư nhân cũng cam kết hỗ trợ
Theo Viện Tài chính Quốc tế - đại diện cho 450 ngân hàng, quỹ phòng hộ và các công ty tài chính toàn cầu khác - các chủ nợ tư nhân sẽ tham gia nỗ lực giảm nợ trên cơ sở tự nguyện.
Một quan chức của Bộ Tài chính Pháp cho biết, các chủ nợ tư nhân đã đồng ý trên cơ sở tự nguyện tạm chuyển hoặc tái cấp vốn 8 tỷ USD nợ của các nước nghèo nhất, trong khi khoản thanh toán 12 tỷ USD vay từ các tổ chức đa phương, chủ yếu từ Ngân hàng Thế giới sẽ được sắp xếp, đàm phán tiếp.
Cuộc sống của người dân các nước nghèo trên thế giới càng khó khăn hơn nhiều do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết WB, IMF và các tổ chức cho vay đa phương khác đang xem xét các lựa chọn để tạm dừng thanh toán dịch vụ nợ của các nước nghèo trong khi duy trì xếp hạng tín dụng cao đối với trái phiếu của họ.
“Đây là một sáng kiến mạnh mẽ, một hành động nhanh chóng, quyết liệt để bảo vệ cuộc sống và kế sinh nhau của hàng triệu người dân các nước nghèo trên thế giới”, Chủ tịch WB và Georgieva phát biểu trong một tuyên bố chung.
Việc gia hạn nợ sẽ kéo dài đến cuối năm nay nhưng các chủ nợ sẽ xem xét khả năng gia hạn trong năm 2020, dựa vào báo cáo về nhu cầu thanh khoản của Ngân hàng Thế giới và IMF, đại diện nhóm G20 cho biết.
Eric LeCompte, giám đốc điều hành của Mạng lưới phi lợi nhuận Jubilee USA, ước tính thỏa thuận cuối cùng có thể mang lại 25 tỷ đô la cứu trợ cho các nước nghèo nhất.
Trong một tuyên bố với các nhà lãnh đạo G20, Georgieva cũng nói rằng IMF đang khẩn trương tìm kiếm khoảng 18 tỷ USD tài trợ Quỹ Giảm nghèo & Tăng trưởng và đang cân nhắc việc sử dụng quyền rút vốn đặc biệt của mình để tăng thêm 1 nghìn tỷ USD để hỗ trợ các nước nghèo trên thế giới.