Nguồn tin thân cận với Reuters cho biết, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã bán một lượng lớn đô la Mỹ (USD) và thực hiện các giao dịch hoán đổi lẫn giao dịch giao ngay.
Sáu nguồn tin ngân hàng nói với Reuters rằng các ngân hàng quốc doanh lớn của nước này đã hoán đổi nhân dân tệ (RMB) lấy đô la Mỹ (USD) trên thị trường kỳ hạn và bán số đô la đó trên thị trường giao ngay, một động thái được Trung Quốc sử dụng trong năm 2018 và 2019.
Theo các nguồn thạo tin này, việc bán ra dường như nhằm mục đích ổn định đồng nhân dân tệ, với các giao dịch hoán đổi giúp thu mua đô la cũng như neo giá đồng nhân dân tệ trong tương lai.
Đồng nhân dân tệ đã giảm 11,6% so với đồng đô la trong năm nay. Hôm thứ Hai, đồng tiền này được giao dịch quanh mức 7,1980 tệ mỗi đô la.
Tỷ giá hối đoái USD/RMB kỳ hạn một năm đã giảm nhanh chóng sau các động thái của ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, kéo đồng nhân dân tệ xuống mức 6,95 tệ mỗi đô la. Một trong những nguồn tin lưu ý rằng, quy mô của hoạt động bán USD là "khá lớn".
"Các ngân hàng lớn muốn mua lại vị thế đô la từ thị trường hoán đổi để ổn định thị trường giao ngay", một nguồn tin khác cho biết.
Các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc thường giao dịch thay mặt ngân hàng trung ương trên thị trường ngoại hối của Trung Quốc, nhưng họ cũng có thể giao dịch cho các mục đích riêng hoặc thực hiện các lệnh cho khách hàng doanh nghiệp của họ.
Một nguồn tin thứ ba lưu ý rằng giao dịch của các ngân hàng quốc doanh này dường như được quản lý để đảm bảo nguồn dự trữ ngoại hối trị giá 3 nghìn tỷ USD của Trung Quốc sẽ không bị can thiệp.
Đồng thời, động thái này giúp các ngân hàng nhà nước thu mua đô la vào thời điểm khi lợi suất Mỹ tăng khiến đồng đô la trở nên khan hiếm và đắt đỏ.
Trung Quốc đã đốt cháy 1.000 tỷ USD dự trữ để hỗ trợ đồng nhân dân tệ trong thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2015, và việc nguồn dự trữ chính thức bị giảm mạnh đã thu hút nhiều chỉ trích.