Tờ Koreantimes dẫn dữ liệu từ Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) cho biết 12 ngân hàng Hàn Quốc đã ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục tại Việt Nam trong năm 2018.
Lợi nhuận ròng của các ngân hàng trong khu vực Đông Nam Á đã tăng hơn gấp đôi từ 61 triệu USD năm 2017 lên tới 131,8 triệu USD trong năm 2018. Trong đó, ngân hàng Shinhan Việt Nam đóng góp lớn nhất khi công bố lợi nhuận ròng gần 100 tỷ won (tương đương 88 triệu USD). Thu nhập ròng của Shinhan ở Singapore cũng tăng 17,2% trong năm 2018, đồng thời tài sản cũng tăng trưởng ở Việt Nam và Indonesia.
Thu nhập của các ngân hàng từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã tăng từ 5,72 tỷ USD trong năm 2017 lên 6,43 tỷ USD trong năm 2018; và tại Indonesia từ 5,76 tỷ lên 6,34 tỷ USD.
Trong số 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động tại nước ta hiện nay, có 2 ngân hàng đến từ Hàn Quốc là Shinhan và Woori Bank. Trong khi ngân hàng từ các quốc gia phương Tây ngày càng tỏ ra dè dặt hơn, các ngân hàng Hàn Quốc lại liên tục đẩy mạnh đầu tư và xem đây là thị trường béo bở. Trước đó, năm 2017, Shinhan Bank thể hiện tham vọng của mình khi mua đứt mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam, mục tiêu vươn lên top 3 kinh doanh thẻ tín dụng tại thị trường trong 3 năm tới. Nhìn lại sức tăng trưởng của nhà băng đến từ xứ sở kim chi này, nhiều ngân hàng nội có thể phải giật mình với các con số lợi nhuận của họ.
Không chỉ Shinhan Bank, Woori Bank cũng đang mở rộng hoạt động ở Việt Nam khi năm 2018 được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.600 tỷ đồng, phương án tăng vốn đã được ngân hàng mẹ ở Hàn Quốc thông qua, đồng thời ngân hàng cũng đã được NHNN cho phép mở thêm 5 chi nhánh và 1 phòng giao dịch.
Bên cạnh các nhà băng, nhiều định chế tài chính lớn từ Hàn Quốc đã gia nhập thị trường tài chính Việt Nam. Công ty tài chính Lotte Việt nam vừa chính thức gia nhập thị trường cho vay tiêu dùng với sản phẩm đầu tiên là vay tiêu dùng tín chấp, họ đã phải chi trả hơn 1.700 tỷ đồng để mua lại TechcomFinance vào hồi tháng 3/2018 trước đó.
Mới đây, ngày 21/3/2019, Thống đốc Lê Minh Hưng đã có buổi làm việc với ông Yoo Gwang Yeo - Phó Thống đốc thứ nhất của FSS cho thấy triển vọng về mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực tài chính thời gian tới.
“Việc Hội nghị năm thứ 2 liên tiếp được tổ chức tại Việt Nam cho thấy quan hệ kinh tế nói chung và quan hệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng với Việt Nam chiếm vị trí quan trọng chiến lược trong chính sách của Hàn Quốc”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Thống đốc cho biết, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang quyết liệt triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 và mong muốn FSS có thể hỗ trợ đóng vai trò cầu nối, tư vấn và khuyến khích các nhà đầu tư có tiềm năng của Hàn Quốc tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chụp ảnh kỷ niệm với Phó Thống đốc thứ nhất FSS
Phía FSS, ông Yoo Gwang Yeo cũng mong muốn mối quan hệ hợp tác giữa FSS và các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ phát triển và đa dạng hóa, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các lĩnh vực mà NHNN đề xuất và quan tâm như tái cơ cấu ngân hàng; đổi mới Fintech và hợp tác song phương liên quan đến Fintech…