Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách nhằm giúp doanh nghiệp vực dậy, tiếp tục phát triển. Tuy nhiên về hiệu quả thực hiện lại chưa được như kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp, điều này đã khiến số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách còn khiêm tốn, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận, thậm chí chưa biết đến các chính sách hỗ trợ.
Theo thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Việc triển khai các gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng về hỗ trợ tín dụng; 62.000 tỷ đồng về an sinh xã hội, 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động… cũng phần nào giúp doanh nghiệp vượt khó.
Tuy nhiên, nêu thực tế của ngành, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, chính sách đã được Chính phủ ban hành rất đúng đắn và kịp thời, nhưng các cấp triển khai còn hạn chế.
Theo ước tính, năm nay ngành du lịch doanh thu sụt giảm khoảng 23 tỷ USD, khách quốc tế chỉ đạt khoảng hơn 3 triệu lượt (giảm 80%), khách nội địa đạt khoảng 50 triệu (giảm 50%). Về lao động, khoảng 90% lao động nghỉ việc hoặc tạm nghỉ việc, cùng với đó, khoảng 60% doanh nghiệp trong ngành hiện ngừng hoạt động…Vì thế, chính sách khi áp dụng vào thực tế, chưa hiệu quả, các cơ quan, ban ngành cần phải thẳng thắn nhìn nhận các khâu để điều chỉnh, để thiết kế lại cho phù hợp với thực tế.
"Chúng tôi phải nói thật là việc thực hiện những chính sách đó vô cùng khó khăn và đối với ngành du lịch chúng tôi thì rất ít hiệu quả. Ví dụ như Gói trợ cấp cho những người lao động tự do, mất việc làm thì hầu như không đến được, TP HCM chẳng hạn, hiện nay có khoảng hơn 10.000 hướng dẫn viên hành nghề tự do, chỉ có 20 người được nhận gói hỗ trợ 1 triệu một tháng, trong 3 tháng và rất nhiều người chỉ nhận được 1 tháng. Còn lại, hàng loạt các tỉnh không được nhận người nào, chúng ta thấy chính sách thì rất tốt cùng, nhưng những rào cản của những người thực hiện đã khiến các doanh nghiệp không tiếp cận được" - ông Bình bày tỏ.
Đơn giản hóa các thủ tục sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Còn Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Vũ Tiến Lộc thì cho rằng, điều cần phải rút kinh nghiệm ở đây là vấn đề thiết kế chính sách và thực thi chính sách đang có khoảng cách quá lớn. Chính sách ban hành rất đúng đắn nhưng đưa vào thực tiễn chưa thực sự tích cực, dẫn đến kết quả thực hiện có những hạn chế.
Theo ông Vũ Tiến Lộc: "Trong bối cảnh đại dịch lại càng tạo nên một áp lực, cũng tạo cơ hội chúng ta trong việc cải cách các thủ tục hành chính. Nếu các thủ tục hành chính được cải thiện một cách tích cực theo hướng đơn giản hóa, thì có thể giải quyết rất nhiều vấn đề, không phải chỉ có vấn đề là các gói giải pháp, các gói hỗ trợ bằng tiền bạc, mà chính là tác động cải cách về thể chế, về thủ tục hành chính để thúc đẩy nhanh các dự án xuất kinh doanh vào hoạt động. Đây chính là một nhu cầu đặt ra".
Trước những bất cập trong việc thực thi chính sách hỗ trợ này, các chuyên gia kinh tế đề xuất, các cơ quan ban, ngành và địa phương cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ để điều chỉnh cho phù hợp. Tiếp tục thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và trong từng giai đoạn. Ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa; bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này chưa cao./.
Link bài gốc