Những hạn chế và thách thức thị trường tài chính tiêu dùng
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn khẳng định tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và sự suy giảm tổng cầu.
Đặc biệt, gần đây, xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho công ty TCTD; các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD nói riêng và sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng nói chung. Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tín dụng tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng.
Xu hướng “bùng nợ” của khách hàng các công ty tài chính tiêu dùng
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, chia sẻ thêm một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế và thiếu về kiến thức tài chính, e ngại và cho rằng mình không đủ khả năng vay tại các tổ chức tài chính chính thức đã trở thành “con mồi” cho các dịch vụ tín dụng đen ẩn mình dưới các hình thức thức cho vay qua app, tìm đến các đối tượng núp bóng các tổ chức tài chính tiêu dùng không được cấp phép.
Mặt khác, các tổ chức tín dụng còn gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ do không liên lạc được với khách hàng, xác định nơi cư trú, nơi làm việc của khách hàng; xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm kín, đăng tải các bài viết, video hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua ứng dụng của các ngân hàng, công ty tài chính khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi.
Tại phiên thảo luận chung, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Quyền Tổng Giám Đốc FE CREDIT, chia sẻ dù được cấp phép hoạt động và được quản lý bởi NHNN nhưng cũng như các tổ chức tín dụng khác, FE CREDIT đang đối mặt với một vấn đề nan giải là hoạt động “bùng nợ” có tổ chức từ khách hàng. Một bộ phận khách hàng đang cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ hợp pháp của các công ty tài chính chính thống là phạm pháp để né tránh việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
“Một phần nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc khách hàng gặp khó khăn như mất việc, ốm đau, gia đình gặp biến cố… dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ. Tuy nhiên, nhóm khách hàng này chiếm tỷ trọng không lớn. Nguyên nhân chính vẫn là sự mất cân bằng giữa việc bảo vệ người tiêu dùng, hay trong trường hợp này là các khách hàng, và sự thiếu bảo vệ dành cho các đơn vị cho vay. Khi các đơn vị cho vay tiến hành các thủ tục thu hồi nợ pháp lý, toàn bộ quá trình này mất rất nhiều thời gian và nguồn lực”, bà Minh Nguyệt cho biết.
Giải pháp đồng hành cùng khách hàng khó khăn, kiên định với với giải pháp thu hồi nợ pháp lý đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán
Là công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu thị trường, FE CREDIT luôn nỗ lực cung cấp kiến thức tài chính và đưa nguồn vốn vay chính thống tiếp cận những người dân có nhu cầu. FE CREDIT cũng đồng thời tuyên truyền và cảnh báo các thủ đoạn mạo danh tổ chức, công ty tài chính của các đối tượng trên không gian mạng để người dân tránh bị mất tiền hoặc sập bẫy “tín dụng đen”. Với các khách hàng gặp khó khăn thật sự hoặc biến cố đột xuất, FE CREDIT đã xây dựng các chính sách miễn hoặc giảm lãi vay, hỗ trợ khách hàng giãn thời gian thanh toán.
Bên cạnh đó, FE CREDIT còn thực hiện các chương trình khuyến khích khách hàng thanh toán đúng hạn hoặc thanh toán sớm để có cơ hội nhận được các giải thưởng giá trị và nhiều quyền lợi khác.
Đối với tình trạng khách hàng “bùng nợ” có tổ chức, FE CREDIT tiến hành phân luồng và xây dựng các giải pháp tiếp cận phù hợp như tích cực truyền thông về trách nhiệm và nghĩa vụ của người đi vay, các rủi ro pháp lý và hệ quả sẽ đối mặt nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán… thuyết phục cho khách hàng hiểu rõ việc từ chối trả nợ là hành vi phạm pháp và có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ trong tương lai.
Khi khách hàng vẫn cố tình vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm thanh toán khoản vay trong thời gian dài, FE CREDIT lựa chọn kiên định triển khai các hoạt động thu hồi nợ pháp lý, khởi kiện theo đúng quy định pháp luật nhằm xây dựng một thị trường tín dụng tiêu dùng công bằng và lành mạnh hơn.
Giải pháp tăng cường chuyển đổi số giúp khách hàng tiếp cận tài chính tiêu dùng chính thống và an toàn
Không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ trên thị trường tài chính, FE CREDIT đã thực hiện công tác chuyển đổi số trong hoạt động cho vay khi cho ra đời phiên bản FE ONLINE 2.0 cho phép khách hàng thực hiện đăng ký vay tức thì, thực hiện và giám sát giao dịch theo thời gian thực và các phương thức thanh toán khác nhau như một chạm thanh toán qua QR, ví điện tử có liên kết.
Bên cạnh đó, FE CREDIT ứng dụng AI trong hoạt động nâng cao khung quản trị rủi ro, áp dụng công nghệ cao để quản lý và giám sát vào quy trình xử lý tín dụng, nhằm giảm thiểu các khiếu nại của khách hàng và chọn đúng tệp khách hàng để tiếp cận.
|