UBND TP HCM vừa có văn bản góp ý với Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề nghị tiếp tục thực hiện di dời, chuyển đổi công năng các cảng trên sông Sài Gòn.
Cụ thể, TP.HCM đề nghị nghiên cứu chuyển đổi công năng sớm khu cảng trên sông Sài Gòn từ bến Tân Thuận Đông đến bến cảng ELF Gas Sài Gòn quận 7.
Khu cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai, được đề xuất nghiên cứu phát triển thêm khoảng 600m cầu cảng tại tại khu đất tiếp giáp bến cảng Tân cảng Phú Hữu (thuộc cảng Bến Nghé, quận 9) về phía hạ lưu, trong khi bến cảng container Quốc tế SP-ITC vẫn giữ nguyên 670 m cầu cảng hiện hữu, không xây thêm 200m cầu cảng tiếp giáp rạch Ông Nhiêu.
Khu cảng biển Hiệp Phước trên sông Soài Rạp giữ nguyên qui hoạch trong khi luồng hàng hải Soài Rạp đảm bảo tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 tấn đầy tải và 50.000 tấn giảm tải, và sẽ nghiên cứu đầu tư giai đoạn tiếp theo khi thực sự có nhu cầu...
Theo qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất bổ sung qui hoạch cảng container, cảng tổng hợp và cảng hàng rời tại 4 vị trí ở Cần Giờ, tuy nhiên, UBND TP chỉ thống nhất 3 vị trí qui hoạch.
Cụ thể, thứ nhất là tại xã Bình Khánh, dự kiến qui hoạch cảng biển có diện tích 250 hecta cho tàu 30.000 - 50.000 tấn vì vị trí này kết nối giao thông thuận lợi với cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang thi công).
Vị trí thứ 2 tại xã Long Hòa, diện tích khoảng 150 hecta cho tàu chở hàng có trọng tải đến 150.000 tấn và tàu khách quốc tế có tải trọng đến 200.000 GT.
Vị trí thứ 3 là thuộc địa phận cù lao Ông Chó huyện Cần Giờ dự kiến qui hoạch cảng biển tại đây có diện tích 100 hecta cho tàu trọng tải 200.000 tấn cập cảng.
UBND TP đề xuất nghiên cứu qui hoạch cảng biển chuyên dụng và thực hiện trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa, đồng thời đề xuất nghiên cứu qui hoạch cảng biển nước sâu tại bờ phải sông Thị Vải tại khu vực cù lao Gò Gia huyện Cần giờ nhằm phục vụ tàu biển có trọng tải 80.000 tấn vào giai đoạn sau năm 2030…
Link bài gốc