Startup thời trang đầu tiên tại Việt Nam
Curnon được thành lập vào năm 2016 với vốn điều lệ là 1 tỷ đồng với 4 cổ đông, đây là thương hiệu đồng hồ thời trang đầu tiên tại Việt Nam với thiết kế tối giản và tinh tế.
Cặp đôi sáng lập cho biết, Curnon phục vụ đối tượng khách hàng trẻ với quy mô thị trường lên đến 11 triệu người tại Việt Nam, riêng ngành hàng bán lẻ thời trang mà startup này nhắm đến có giá trị thị trường là 4,4 tỷ đô.
Với quy mô thị trường và tệp khách hàng tiềm năng như vậy, trong vòng 1 năm Curnon đã tung ra thị trường 33 sản phẩm với tốc độ 2 tuần 1 sản phẩm. Đồng thời, Curnon đang sở hữu 3 cửa hàng tại Hà Nội.
Để chứng minh sản phẩm và mô hình của Curnon được thị trường đón nhận tích cực, cặp đôi sáng lập cho biết doanh thu công ty năm 2017 đạt 4,2 tỷ đồng, trong đó 70% đến từ trang thương mại điện tử, 30% từ các cửa hàng offline với giá trị trung bình mỗi đơn hàng là 2,1 triệu đồng. Và với 2,1 triệu đồng/ đơn hàng, Curnon đã bán được khoảng 2000 chiếc đồng hồ, 40% khách hàng tập trung tại thị trường Hà Nội, 35% đến từ TP.HCM và 25% còn lại là các tỉnh thành khác. Mục tiêu vào năm tới, Quang Thái và Anh Đức tham vọng doanh thu của Curnon sẽ đạt mốc 15 tỷ đồng.
Cặp đôi sáng lập đến Shark Tank để kêu gọi 5 tỷ đổi lấy 15% cổ phần công ty. Với số tiền này, Quang Thái và Anh Đức sẽ dùng để mở rộng quy mô kinh doanh tại 5 thành phố lớn, liên tục tung ra các mẫu sản phẩm bắt kịp xu hướng thời trang với giá phải chăng để tạo rào cản và lợi thế cạnh tranh, và cuối cùng là đẩy mạnh Marketing online.
"Mồi ngon" khiến "cá mâp" cũ - mới cạnh tranh
Với kiến thức sâu về thị trường đồng hồ thời trang, Shark Hưng liền đề cập với startup này về vấn đề Replica (sao chép như thật), một trong những đối thủ nguy hiểm trên thị trường mua bán. Quang Thái tự tin tệp khách hàng nhắm đến là những người trẻ thế hệ Millennial, đều có nhận thức cao về sở hữu thương hiệu nên Curnon đủ sức đánh bật các đối thủ hàng fake.
Với lý do chưa bao giờ đeo đồng hồ, Shark Phú nhanh chóng quyết định rút lui trước lời đề nghị của Curnon. Tuy nhiên, dự án này vẫn nhận được nhiều sự thích thú đến từ Shark Linh. “Cá mập” đến từ Vina Capital cho biết đây là loại nữ trang mà bà thích nhất, quan trọng hơn là 2 nhà sáng lập đều có sự am hiểu về kinh doanh online lẫn offline, Shark Linh đã đưa ra đề nghị 5 tỷ cho 45% cổ phần.
Nhìn thấy tiềm năng của thị trường, 2 Shark Dzung Nguyễn và Louis Nguyễn cũng lập tức nhảy vào cuộc chơi với lời đề nghị 5 tỷ đổi lấy 40% cổ phần, trong đó Chủ tịch HĐQT & TGĐ Công ty Quản lý Qũy Đầu tư Saigon Asset Management (SAM) sẽ rót 3 tỷ đồng và phần còn lại là của “cá mập công nghệ”. Và sau một thời gian, nhà đầu tư sẽ xem lại kết quả, nếu Curnon đạt được KPI, 2 “cá mập” sẵn sàng cho lại các đồng sáng lập 10% cổ phần công ty.
2 “cá mập mới” Louis Nguyễn và Dzung Nguyễn phối hợp trong cuộc tranh giành đầu tư vào Curnon - thương hiệu đồng hồ thời trang đầu tiên tại Việt Nam.
Shark Dzung Nguyễn bày tỏ: “Vào hơn 3 năm trước, anh đã đầu tư vào một thương hiệu thời trang và anh hiểu rằng, Việt Nam chưa có thương hiệu. Lý do người Việt mua hàng nước ngoài không phải vì chuộng ngoại mà do Việt Nam không có thương hiệu đáng tin. Nhưng anh tin rằng Việt Nam đến 10 hay 20 năm nữa, có thể tự hào người Việt cũng có thương hiệu cho người Việt, không chỉ “made in Việt Nam” mà còn “made by Việt Nam”.
Không dễ để bị đánh bật khỏi cuộc chơi, nhà đầu tư đến từ Vina Capital lập tức kết liên minh cùng PCT. Cenland để đưa ra lời đề nghị mới, 6 tỷ đồng cho 45% cổ phần và trả lại con số 20% sau vòng gọi vốn thứ 2 nếu Curnon đạt KPI.
“Bóng hồng” duy nhất của Shark Tank Việt Nam tự tin bà có sự hiểu biết sâu sắc về quá trình vận hành một startup thời trang, do đó, những hứa hẹn mà 2 đồng nghiệp Louis Nguyễn và Dzung Nguyễn muốn đem lại cho Curnon thì Shark Linh hoàn toàn cũng có thể thực hiện được. Shark Linh cũng không ngần ngại công kích “cá mập công nghệ” khi ông chia sẻ sẽ dồn lực cho Curnon 12 tiếng mỗi ngày bằng câu nói: “Anh Dũng nhà đông con khó nuôi lắm”.
Bà chủ của Vina Capital cũng rất thích thú với dự án của thương hiệu "made in Việt Nam".
Với lời đề nghị khá bạo từ 2 thế lực “cá mập cũ”, 2 Shark Louis Nguyễn và Dzung Nguyễn tỏ ra khá thận trọng trước khi đưa ra cho Curnon một lời đề nghị mới là 5 tỷ đồng, trong đó 3 tỷ cho 20% và 2 tỷ còn lại là khoản vay chuyển đổi ở mức 25% discount.
“Cá mập Mỹ” ra sức lôi kéo 2 nhà sáng lập trẻ: “Anh có một công ty bên Mỹ về phân phối, ở Việt Nam cũng có công ty chuyên về Marketing, quảng cáo và phân phối về thời trang luôn, chi phí khi hợp tác với hệ thống đó, các em sẽ được giảm giá, chiết khấu hay trao đổi về doanh thu, hợp tác chiến lược cũng được mạnh mẽ hơn”.
Thương thảo thành công
Sau thời gian cân nhắc, Quang Thái - Anh Đức quyết định chấp nhận đầu tư từ 2 “cá mập mới” Dzung Nguyễn và Louis Nguyễn, bởi 2 nhà sáng lập cũng không muốn mình bị pha loãng số cổ phần. Thương vụ khép lại trong sự tiếc nuối của Shark Linh khi để vuột mất một “con mồi” đầy tiềm năng trong thị trường thời trang. Đồng thời, một liên minh mới đáng gườm tại Shark Tank Việt Nam được thiết lập với sự tham gia của hai “cá mập” Louis Nguyễn và Dzung Nguyễn.
2 nhà sáng lập của Curnon Việt Nam uyết định chấp nhận đầu tư từ 2 “cá mập mới” Dzung Nguyễn và Louis Nguyễn.
Thương vụ thành công đã đem đến cho tập 3 của Shark Tank mùa 2 thêm phần phấn khởi. Bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư từ các cá mập, 2 startup Curnon còn nhận được thêm ưu đãi từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) - nhà tài trợ chính của Shark Tank mùa 2
Tập 4 "Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ" mùa 2 được phát sóng vào 20h30 thứ 4 ngày 25/7 trên kênh VTV3.