Ngày pháp luật

Cá chép giả khuấy động thị trường Tết 2020 nhưng có... vượt vũ môn được không?

Dạ Hành

(Doanhnhan.vn) - Tiếp nối tinh thần linh hoạt, gọn nhẹ vài năm gần đây, cá chép giả bằng giấy, xôi, thạch rau câu… đang được ưa chuộng thời điểm cận Tết Canh Tý.

Tết đang đến rất gần khi chỉ còn 2 ngày nữa là tới dịp 23 tháng Chạp, đưa Ông Táo về trời. Mốc thời gian này được nhiều gia đình ngầm xem là dịp chạy nước rút để sắm sửa, trưng bày trong gia đình nếu trước đó vẫn còn tất bật với công việc. 

Về việc mâm cỗ cúng luôn có cá chép, GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia - chia sẻ với báo Lao Động: Theo tâm thức dân gian, khi các Táo về trời cần phải có phương tiện để đi lại. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói “cá chép vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng”, chỉ có cá chép mới bay được lên trời.

Cá chép giả khuấy động thị trường Tết 2020 nhưng có... vượt vũ môn được không? - Ảnh 1

 (Ảnh: Zing.vn)

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, vượt khó, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công. Vì lý do này, nên trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của người Việt nhất định phải có cá chép.

Nhưng nếu không có cá chép thật thì có những phương án thay thế nào?

Theo GS Nguyễn Chí Bền, trước đây và cả bây giờ, ở các vùng quê, người dân vẫn dùng cá chép giấy, tức là đồ mã, cùng với mũ áo và mâm cỗ mặn để cúng ông Công ông Táo. Sau một tuần hương, người dân sẽ đem cá chép giấy và mũ áo đi hóa.

Cá chép giả khuấy động thị trường Tết 2020 nhưng có... vượt vũ môn được không? - Ảnh 2

 GS-TS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia (Ảnh: Lao Động)

Đồng quan điểm, GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) cho rằng, nếu gia đình nào có điều kiện thì có thể dùng cá chép thật, sau đó thực hiện tục lệ thả phóng sinh, còn không thì có thể dùng cá chép giấy. Lí do bởi  nếu dùng cá chép thật sẽ mang ý nghĩa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những hộ nuôi.

Tuy nhiên cần hết sức lưu ý, việc phóng sinh cũng mang ý nghĩa hướng thiện, đề cao các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Vì vậy, tục thả cá không coi trọng nhiều hay ít, cá to hay nhỏ mà quan trọng ở tấm lòng của người phóng sinh, không phạm vào những điều đại kỵ làm mất đi ý nghĩa của tục lệ và gây hại cho môi trường. Cụ thể, không nên đứng ở vị trí cao thả cá quá mạnh xuống nước, khiến cá chết vì lực va đập quá mạnh. 

Cá chép giả khuấy động thị trường Tết 2020 nhưng có... vượt vũ môn được không? - Ảnh 3

 Bên cạnh cách chuẩn bị mâm cỗ, cá chép như thế nào; cần rất lưu tâm khi thả cá chép để đảm bảo đúng tinh thần hướng thiện. Không nên thả cá nơi nước bẩn hay thả từ vị trí quá cao. (Ảnh: Zing.vn)

Sau khi thả cá không nên vội vàng rời đi ngay mà cần chờ xem cá đã bơi được chưa hay bị mắc kẹt hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt vào bờ. Người phóng sinh cũng cần thu dọn sạch sẽ giấy rác, bao bì sau khi thả cá xuống sông hồ.

Ngoài ra trong những năm gần đây, cá chép giả ngày càng được ưa chuộng do vẫn đảm bảo tinh thần ngày lễ, truyền thống văn hóa mà lại gọn nhẹ hơn, phù hợp với các gia đình hiện đại không kịp chuẩn bị cá chép sống hay không biết chỗ thả phù hợp.

Cá chép giả khuấy động thị trường Tết 2020 nhưng có... vượt vũ môn được không? - Ảnh 4

Xôi cá chép (Ảnh: Dân Trí)

Ví dụ một tiểu thương ở Hà Nội nói với VnExpress, chị rất bất ngờ khi mới rao bán xôi cá chép 3 ngày đã nhận được 100 đơn với 300 bát chè cá chép, 700 đĩa xôi cá chép đúc khuôn. "Tôi không ngờ lần đầu bán loại này lại được khách hưởng ứng nhiệt tình như thế. Có thể do lạ, ngon và thiết thực".

Cũng gom đơn hàng lên tới vài trăm con, chị Hạnh ở Tân Bình (TP.HCM) cho biết, xôi cá chép mặn được làm với nhân thịt gà xào nấm, giá 110.000 đồng một con. "Đây là sản phẩm cúng ông Công ông Táo đắt khách nhất ở cửa hàng. Nhiều khách còn đặt ăn thử từ khá sớm" - chị Hạnh nói.

Một chén chè cá chép bao gồm 2 con có giá 70.000 đồng, còn đĩa xôi có cá chép đúc khuôn là 120.000 đồng. Toàn bộ hình cá chép được đúc khuôn khá công phu, nguyên liệu làm là gạo nếp. Không chỉ để cá chép tạo khuôn đẹp mà chị Hoa còn chọn các loại nhân ngon để khách sau khi cúng có thể ăn. Chè cá chép là nhân đậu xanh, còn xôi cá chép làm nhân nấm thịt.

Cùng với xôi chè cá chép, các loại bánh hình cá chép cũng đang bán khá chạy. Không chỉ được làm bằng bột đậu xanh, rau câu, các loại bánh bông lan cá chép, bánh tổ cá chép cũng được rao bán rầm rộ.

Cá chép giả khuấy động thị trường Tết 2020 nhưng có... vượt vũ môn được không? - Ảnh 5

 Mâm cúng ông Công ông Táo đầy đủ và đẹp mắt với cá chép làm từ xôi và thạch rau câu (Ảnh: Dân Trí)

Cá chép giả khuấy động thị trường Tết 2020 nhưng có... vượt vũ môn được không? - Ảnh 6

 

Cá chép giả khuấy động thị trường Tết 2020 nhưng có... vượt vũ môn được không? - Ảnh 7

 Mỗi con cá chép to thường được mua kèm với vài bát chè viên để cho mâm cúng đầy đủ (Ảnh: Dân Trí)

Theo chị Tuyết Nhung (Hà Nội) chia sẻ với Dân Trí: “Năm nay tôi chọn đặt cá chép bằng xôi vừa tiện lợi vừa đẹp mắt. Cúng xong có thể thụ lộc luôn thay vì cúng cá chép sống mang thả ra sông đôi khi bị chích điện”.

Nói tóm lại "của đưa không bằng cách đưa", nếu dùng cá chép thật dĩ nhiên đảm bảo truyền thống văn hóa được trọn vẹn, ý nghĩa hơn. Tuy nhiên nếu thả cá chép sống một cách quá sơ sài, cẩu thả e rằng Ông Táo cũng không thể chầu trời an toàn! Ngược lại, các chuyên gia về văn hóa cũng cho rằng, việc cúng cá chép tự làm từ thực phẩm hoặc hàng mã đều không ảnh hưởng đến tín ngưỡng thờ cúng. Đây sẽ là phương án "cứu cánh" cho các gia đình bận rộn phải chuẩn bị mọi thứ một cách nhanh gọn, gấp gáp hơn.

T.H.

Tin Cùng Chuyên Mục