Ngày pháp luật

Bridgestone tái chế lốp xe bằng công nghệ mới từ năm 2030

Kim Dung

Bridgestone dự kiến chi 134 triệu USD để nghiên cứu phương pháp tái chế lốp xe cũ. Với công nghệ tái chế mới, nhà sản xuất lốp xe của Nhật Bản dự kiến mỗi năm sẽ tái chế 10% số lốp xe cũ của nước này kể từ năm 2030.

Bridgestone, nhà sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới, đang phát triển một công nghệ tái chế lốp xe nhằm giảm lượng khí thải CO2 trong chuỗi cung ứng ô tô. Kế hoạch dự kiến được hoàn thành vào năm 2030.

Công nghệ tái chế của Bridgestone tiến hành dựa trên các phản ứng hóa học. Lốp xe cũ trước tiên sẽ được làm chảy và hợp chất này được phân hủy bằng các chất xúc tác chuyên dụng ở nhiệt độ quy định. Qua đó, các lốp xe cũ biến thành một chất liệu mới để tái sử dụng.

Nhà sản xuất đến từ Nhật Bản tin rằng công nghệ mới có thể tái chế khoảng 100.000 tấn lốp xe cũ mỗi năm, tương đương 10% tổng số lốp xe thải ra của nước này.

Bridgestone dự kiến sẽ tái chế 10% lượng lốp xe thải của Nhật Bản từ năm 2030.
Bridgestone dự kiến sẽ tái chế 10% lượng lốp xe thải của Nhật Bản từ năm 2030.

Hiện nay, Bridgestone đang bắt tay với công ty dầu khí Nhật Bản Eneos Holdings để thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển. Công ty sản xuất lốp xe sẽ chi khoảng 20 tỷ yên (134 triệu USD) để nghiên cứu công nghệ tái chế mới cho đến năm 2030.

Một cơ sở thử nghiệm với 20.000 - 30.000 tấn lốp xe sẽ được thành lập vào năm 2024 để tìm ra phương pháp tái chế hiệu quả nhất. Nhà máy tái chế chính thức sẽ được xây dựng trong năm 2030.

Cao su tổng hợp là một trong những nguyên liệu chính để tạo ra lốp xe và thường được sản xuất từ dầu mỏVới công nghệ mới, lốp xe đã qua sử dụng có thể tạo ra hợp chất ioprene với năng suất cao. Chất ioprene là một nguyên liệu thô, có thể thay thế dầu mỏ để sản xuất ra cao su tổng hợp

Bên cạnh phát triển công nghệ, Bridgestone cũng sẽ tiến hành thu hồi vật liệu gia cố lốp xe. Sản phẩm lốp tái chế dự kiến ​​có giá thành cao hơn so với lốp sản xuất mới.

Masashi Otsuki, người đứng đầu nhóm vật liệu tiên tiến của Bridgestone, cho biết: “Nếu chúng tôi bán những chiêc lốp xe có tuổi thọ lâu hơn và giá trị gia tăng cao hơn so với thông thường thì công ty có thể tính thêm chi phí tái chế vào giá sản phẩm."

Hiện nay, nhu cầu sử dụng lốp xe đang ngày càng tăng cao. Theo công ty Report Ocean của Mỹ, thị trường lốp ô tô toàn cầu sẽ đạt giá trị 219,8 tỷ USD vào năm 2030, tăng 50% so với năm 2021.

Hầu hết các lốp xe sau khi sử dụng đều mang đi thiêu hủy. Ước tính, việc sản xuất và tiêu hủy của một chiếc lốp xe sẽ thải ra môi trường 300kg CO2. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất lốp ô tô Nhật Bản, Nhật Bản đã thải ra 91 triệu chiếc lốp xe  tương đương 1 triệu tấn vào năm 2021, nhưng chỉ có một phần rất nhỏ được xử lý tái chế.

Ngoài Bridgestone, Yokohama Rubber, một công ty sản xuất lốp xe khác tại Nhật Bản cũng đang tiến hành nghiên cứu công nghệ mới trong tái chế lốp xe. Yokohama Rubber hợp tác với nhà sản xuất vật liệu Zeon để phát triển dự án. Carbon monoxide và hydro sau khi tách ra từ lốp xe cũ được xử lý để biến thành ethanol. Zeon chịu trách nhiệm sản xuất cao su tổng hợp butadien từ lượng ethanol đó. Nhà máy mới của Zeon sẽ khánh thành vào năm 2024.

Hiện tại, năng suất chế tạo cao su tổng hợp butadien từ lốp xe xử lý với phương pháp etanol chỉ đạt khoảng 60%. Zeon và Yokohama Rubber đang tìm kiếm chất xúc tác phù hợp để nâng cao sản lượng, dự kiến ​​sẽ đạt 80% vào năm 2034. 

Tin Cùng Chuyên Mục