ByteDance, công ty mẹ TikTok đã bắt đầu đàm phán với các hãng âm nhạc về việc mở rộng dịch vụ phát trực tuyến nhạc để cạnh tranh với những nền tảng stream nhạc đầu ngành như Spotify.
Theo WSJ, các cuộc đàm phán vẫn còn những rào cản đáng kể, nhưng ByteDance rất quyết tâm trong việc đưa dịch vụ stream nhạc tích hợp vào TikTok. Người dùng TikTok có thể nghe trước một đoạn nhạc ngắn, sau đó nghe luôn toàn bộ bài hát mà không cần thêm ứng dụng thứ 3.
Trong những tháng gần đây, ByteDance đã tung ra dịch vụ phát trực tuyến nhạc Resso, hiện chỉ có hơn 10 thị trường, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Brazil,...
Những công ty âm nhạc được ByteDance tiếp cận được cho là nằm trong nhóm đang phát triển nhanh nhất trong vài năm gần đây. WSJ cho biết quá trình đàm phán có thời điểm rất căng thẳng vì những bất đồng về cách đánh giá lợi ích quảng cáo.
Nhờ sự phổ biến với giới trẻ, TikTok đã giúp nhiều bài hát trở thành siêu hit toàn cầu. Nhiều bài hát viral trên TikTok trong đại dịch "lội ngược dòng" thành công trên những BXH danh giá như Billboard Hot 100, chẳng hạn như 'Heat Waves' (Glass Animals), 'Say So' (Doja Cat),...
ByteDance kỳ vọng việc mở rộng sang ngành stream nhạc sẽ giúp duy trì cơ sở người dùng cho hệ sinh thái TikTok. Tuy nhiên điểm trừ là tập đoàn Trung Quốc sẽ phải chia sẻ doanh thu mảng này với các công ty âm nhạc.
Hai ông lớn Apple và YouTube cũng có các doanh nghiệp phát trực tuyến nhạc khá lớn. Youtube còn tập trung phát triển tính năng video dạng ngắn để cạnh tranh người dùng với TikTok.
Spotify hiện là cái tên thống trị ngành stream nhạc toàn cầu và cũng đang tích cực khai thác các mảng mới như podcast hay sách nói để cải thiện lợi nhuận.
Năm 2021, ByteDance ghi nhận doanh thu tăng tới 80% đạt 61,7 tỷ USD. Nhưng chi phí cũng tăng lên tương ứng khiến ByteDance chưa thể tạo ra lợi nhuận.
Để mở rộng dịch vụ phát trực tuyến nhạc, ByteDance cần đạt được thỏa thuận với tất cả hãng âm nhạc lướn. CEO những hãng này đã bày tỏ sự quan ngại khi ứng dụng Resso hoạt động không như kỳ vọng ở Ấn Độ, Indonesia hay Brazil.
Sony Music Group đã ngừng hợp đồng với Resso ở cả 3 quốc gia trên, khiến những bài hát mà Sony Music Group nắm bản quyền bị rút khỏi thư viện phát thuộc Resso.
Tương tự như mô hình "freemium" do Spotify tiên phong, Resso cung cấp cấp miễn phí, hỗ trợ quảng cáo cũng như cấp đăng ký theo yêu cầu. Nhưng rất ít người dùng trả tiền cho Resso. Tỷ lệ chuyển từ nghe miễn phí sang trả tiền ở Spotify được cho là lên tới 45%.
Link bài gốc