Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018) và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 23/01/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân, quy định một cách cụ thể, tập trung và thống nhất trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước cũng như quy định rõ quyền của công dân trong việc chủ động yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính khẳng định trong thời gian qua, công tác triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP đã được các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện theo Kế hoạch của Chính phủ và đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân. Tuy nhiên, qua công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tập huấn, hướng dẫn thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP tại một số cơ quan, địa phương cho thấy việc triển khai thi hành vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Do đó, trên cơ sở lựa chọn một số Tỉnh, Thành phố trọng điểm, trong năm nay, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP tại 05 Tỉnh, Thành phố, bao gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang. Riêng tại Hà Nội tổ chức theo hình thực trực tiếp và trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Hội nghị trực tuyến là cơ hội để 58 điểm cầu toàn quốc chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP đã thu hút sự quan tâm của hơn 400 đại biểu tham dự trực tuyến qua Zoom và trực tiếp tại Thành phố Hà Nội.
Qua các trao đổi, Hội nghị xác định việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP trong thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế, như: việc ban hành Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện Luật tại một số cơ quan còn chậm, chủ yếu lồng ghép với Kế hoạch công tác hàng năm, vẫn còn tình trạng một số sở, ban, ngành, địa phương chưa hoặc chậm ban hành văn bản triển khai thực hiện; một số cơ quan chưa xây dựng Chuyên mục về tiếp cận thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan mình, chưa kịp thời đăng tải, cung cấp thông tin do cơ quan, đơn vị mình tạo ra; việc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gây khó khăn trong việc khai thác và cập nhật thông tin… Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc chủ yếu đến từ việc một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc quán triệt cũng như chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cần thiết để triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; nhu cầu cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân và số lượng thông tin cần công khai ngày một tăng lên, trong khi đó, sự phối hợp giữa đơn vị đầu mối cung cấp thông tin và các đơn vị tạo ra thông tin theo Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin của cơ quan chưa được thường xuyên, bài bản, gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp thông tin cho người dân; nhận thức và trình độ ứng dụng công.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến, giảng viên đã giải đáp các vướng mắc và tiếp nhận đầy đủ phản hồi, kiến nghị của các đại biểu là cán bộ, công chức làm công tác quản lý và cán bộ, công chức đầu mối thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin tại các Bộ, ngành, địa phương trên phạm vi toàn quốc về quá trình triển khai Luật, Nghị định, trên cơ sở đó, đại diện Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về tiếp cận thông tin trong thời gian tới.