Bộ GTVT vừa có văn bản thống nhất dự thảo kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, Bộ GTVT cơ bản đồng ý thí điểm đón khách du lịch đến Phú Quốc.
Tuy nhiên, Bộ lưu ý trong dự thảo cần xây dựng phương án tổng thể, kỹ lưỡng đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho người dân địa phương và không để lây nhiễm dịch bệnh từ nguồn khách quốc tế ra cộng đồng.
Bộ GTVT cũng đề nghị cần ưu tiên triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân Phú Quốc. Thực hiện phân luồng, giám sát khách quốc tế từ khi nhập cảnh và trong suốt thời gian lưu trú, tham quan du lịch; có phương án phòng chống lây nhiễm đối với lực lượng lao động trực tiếp tham gia phục vụ đón khách du lịch quốc tế.
Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị sửa nội dung “khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight) hoặc chuyến bay thương mại” thành “khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc chuyến bay quốc tế thường lệ (khi điều kiện cho phép)”.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần trao đổi với Bộ Công an và UBND tỉnh Kiên Giang để nghiên cứu đưa vào kế hoạch nội dung về trách nhiệm xây dựng và triển khai phương án xử lý trường hợp khách bị từ chối nhập cảnh. Trong đó có việc đảm bảo địa điểm cách ly cho hành khách bị từ chối nhập cảnh trong khi chờ xuất cảnh.
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến việc thí điểm đón du khách quốc tế đến Phú Quốc trong thời gian sáu tháng, dự kiến từ tháng 10/2021 và được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu Phú Quốc dự kiến đón từ 2.000 - 3.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê chuyến. Giai đoạn hai, Phú Quốc dự tính đón từ 5.000 - 10.000 khách/tháng.
Trước đó vào ngày 15/7, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản đồng ý về chủ trương xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin bằng các chuyến bay charter đến Khánh Hòa. Tuy nhiên, phương án chỉ thí điểm trong phạm vi nhỏ, ít ảnh hưởng đến đến hoạt động kinh tế - xã hội địa phương và đời sống nhân dân.