Ngày pháp luật

Bộ Công Thương sẽ triển khai Nghị quyết 55 về năng lượng thế nào?

Nhật Thu

Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11/2/2020 (NQ 55). Đây được xem là kim chỉ nam để ngành năng lượng Việt Nam phát triển.

Mở ra thị trường năng lượng cạnh tranh

NQ 55 nêu rõ mục tiêu “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”.

Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt đối với các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách; bảo đảm đầy đủ vốn cho các doanh nghiệp năng lượng nhà nước thực hiện các mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

“Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước, chú trọng những dự án phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ điện theo cơ chế thị trường. Tiếp tục khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô, chất lượng và hiệu quả cho ngành năng lượng. Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền”… là một số nội dung đáng chú ý được chờ đợi trong NQ 55. 

Bộ Công Thương sẽ triển khai Nghị quyết 55 về năng lượng thế nào? - Ảnh 1

 

Cụ thể hơn, NQ 55 nêu rõ, đối với điện gió và điện mặt trời cần ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước; xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam; phát triển nhiệt điện khí theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước; chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.

Riêng nhiệt điện than sẽ phát triển ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; kiên quyết đóng cửa đối với các nhà máy không thực hiện nâng cấp công nghệ theo quy định... Khuyến khích các dự án nhiệt điện đồng bộ từ khâu cung ứng, lưu trữ nhiên liệu và xây dựng nhà máy trên cơ sở giá bán điện xác định thông qua đấu thầu.

Những nội dung trong NQ 55 được các chuyên gia về năng lượng của Việt Nam đánh giá cao và cho rằng, Nghị quyết này là bước đột phá, mở ra một thị trường năng lượng cạnh tranh thực sự của Việt Nam; đồng thời thúc đẩy khối sản xuất phải chuyển mình, sử dụng các công nghệ tiết kiệm điện năng ở mức tối ưu nhất vì tiến tới sẽ xóa hoàn toàn chuyện bù chéo giá điện giữa các khu vực, vùng miền và khách hàng sản xuất lớn. 

Hiệu chỉnh sơ đồ điện VII bám sát NQ 55

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định NQ 55 của Bộ Chính trị được ban hành có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là đúng thời điểm bởi năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm cũng như chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển đất nước trong 10 năm tới. Dưới góc độ là cơ quan đầu mối, Bộ Công Thương sẽ sớm xây dựng kế hoạch hành động để triển khai, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng chương trình hành động. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, có những việc phải triển khai sớm, thậm chí không đợi Chương trình hành động từ Chính phủ mà phải quán triệt, nghiên cứu nhằm sớm có giải pháp thực hiện. Ví dụ như, trước mắt, Bộ Công Thương sẽ hiệu chỉnh sơ đồ điện VII cho bám sát theo định hướng và yêu cầu của NQ. 

Cụ thể hơn, Bộ sẽ xây dựng cơ cấu nguồn điện phát hài hòa hợp lý, trong đó tính toán được bài toán để giải quyết ngay vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng cho những trung tâm điện khí lớn; đồng thời rà soát ngay để có định hướng điều chỉnh lại trong tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh với các nhà máy điện than tập trung theo hướng tập trung cho nhà máy nhiệt điện than có công suất lớn tổ máy lớn, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường.

NQ 55 đã mở ra cho năng lượng tái tạo (NLTT) một cơ hội đặc biệt lớn để phát triển, do đó, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện những bước đánh giá lại tiềm năng của NLTT ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. “Qua kiểm tra, chúng tôi nhìn nhận miền Trung và Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh rất rõ nét trong phát triển NLTT, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời” - Bộ trưởng Công Thương cho biết. 

Do đó, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để thực hiện tốt Nghị quyết, Bộ Công Thương chắc chắn phải có những tìm hiểu, nghiên cứu từ thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Tây Nam Bộ như Long An, Bến Tre, Sóc Trăng... để nắm bắt thêm các vấn đề, từ đó có hướng vận dụng và quán triệt tinh thần NQ 55, giải quyết nhiệm vụ trước mắt cũng như hướng lâu dài cho phát triển năng lượng.